Ông nông dân bỏ túi cả tỷ đồng mỗi năm nhờ cây "siêu trái" lại dễ lai tạo, trồng một lần thu hoạch tận 10 năm

(CL&CS) - Không tốn nhiều công chăm sóc, cho sản lượng ổn định qua từng năm, loài cây này đã và đang giúp nhiều nông dân đổi đời nhờ hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.

Chanh dây - loài cây dây leo sống lâu năm, lớn nhanh, dễ trồng lại ít kén đất, ra trái quanh năm. Tuổi thọ trung bình của chanh dây sẽ kéo dài từ 8-10 năm. Sau khi gieo giống khoảng nửa năm cây sẽ ra hoa, và 2 tháng sau đã có thể thu hoạch đợt đầu tiên. 

Là giống cây ưa ẩm nên để cây phát triển tốt nhất có thể, người nông dân phải thường xuyên cấp nước, nếu thiếu nước trái sẽ nhỏ, da sần sùi và rụng sớm. Chanh dây có nhiều giống khác nhau nhưng có hai loại giống được ưa chuộng và trồng phổ biến nhất là chanh dây vỏ vàng và vỏ tím. Hiện nay, chanh dây được trồng hầu hết ở các vùng miền trên cả nước, có thể trồng chuyên canh, xen canh hoặc trồng tận dụng cho dây leo trên bờ rào. Chanh dây không chỉ là một thức uống giải khát mà còn được sử dụng chế biến trong y dược hay thực phẩm.

Kỹ thuật trồng chanh dây không khó, dễ thích nghi với các điều kiện thời tiết khác nhau.

Chanh dây có thể trồng trên giàn như mướp, bầu, bí… hoặc cho leo hàng rào. Tùy theo quy mô trồng mà làm giàn leo thích hợp để tạo độ thông thoáng giúp cây phát triển. Như thế, nhờ đặc tính thân bò leo của chanh dây, người nông dân có thể tiết kiệm quỹ đất của gia đình, trồng xen canh với các loại rau ngắn ngày khác. Không chỉ thế, giống cây này còn dễ dàng lai tạo, giúp người nông dân có thể kiếm được thu nhập ổn định.

Chanh dây được ví là "kho vitamin" khi chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, làm giảm nguy cơ bị viêm và các tình trạng mãn tính như bệnh lý tim mạch.

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng chanh dây trên địa bàn thị trấn Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, ông Lâm Văn Giang tâm sự, chanh dây đã và đang là cây có giá trị cao cho bà con trong khu vực. Gia đình ông quyết định đầu tư trồng thử nghiệm 100 gốc chanh dây ngay tại vườn nhà. Đến nay cây sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng quả cho thu hoạch đợt đầu có thể đạt 1,5 - 2 tấn/năm, cho thu lãi trên 200 triệu đồng.  

Ông Nguyễn Hữu Công (ngụ xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) sau khi biết được công dụng của chanh dây đối với sức khỏe con người, ông lên mạng mua hạt giống về trồng. Song, ban đầu vườn chanh dây nhà ông Công tăng trưởng chậm do đất bị nhiễm phèn. 

Sau đó, ông Công phát hiện nhãn lồng - phát triển nhiều ở vùng đồng bằng sông nước nên ông tìm hiểu, nghiên cứu các kỹ thuật ghép cây, lai tạo chanh dây. Trải qua nhiều lần thử nghiệm, đến năm 2019, cây chanh dây ghép với nhãn lồng bắt đầu cho trái. 

Hiện tại, ông Công có 6 hecta trồng chanh dây ngọt với khoảng 6.000 gốc, lão nông chia sẻ: “Trung bình mỗi hecta chanh dây thu được 2-2,5 tấn quả/đợt, cứ 2 năm thu hoạch được 5 đợt. Hiện nay, chanh dây ngọt được bán ra thị trường với giá 80.000-120.000 đồng/kg”. Ngoài bán chanh quả, ông Công còn ghép cây chanh dây để bán, mỗi năm ông cho ra thị trường khoảng 6.000-7.000 cây giống với giá 70.000-100.000 đồng/cây. Nhờ việc bán quả và cây chanh dây giống đã mang lại thu nhập cho gia đình ông mỗi năm gần 1 tỷ đồng.

Ông Công cho biết để có trái chanh dây thơm, ngọt đúng vị, giống cây lai tạo ban đầu ban đầu phải sạch bệnh. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc cần theo dõi kỹ, nếu phát hiện cây bị bệnh phải loại bỏ ngay

Tương tự ông Công, anh Trương Văn Phúc (xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) do sống ở khu vực ven biển nên đất bị nhiễm phèn, nhiều loại cây trồng không hiệu quả. Anh quyết định đầu tư mua giống chanh dây nhập ngoại của Mỹ, Đức, Nam Phi về lai ghép với chanh dây Việt Nam để tìm ra giống chanh dây thích hợp vùng đất khắc nghiệt này. Sau thời gian miệt mài lai ghép, cuối cùng anh Phúc cũng thu về “quả ngọt” với loại cây chanh dây thích ứng khô hạn, phát triển rất tốt trên đất phèn, mặn. Ngoài ra, loại chanh dây còn cho nhiều quả, kích cỡ lớn. Khi chín, trái chanh dây này có vỏ màu hồng, ruột vàng, vị ngọt thơm. 

"Đầu tiên, tôi ghép chanh dây ta với chanh dây ngoại. Khi có được sản phẩm chanh dây hồng ngọt, tôi đã ghép với một loại cây khác như chanh hay nhãn lồng để cây sinh trưởng tốt" - anh Phúc chia sẻ bí quyết trồng trọt, lai tạo giống cây giàu vitamin này.

Nếu biết áp dụng cách bón phân đúng thời điểm, cung cấp đủ nước cho cây chanh dây, kết hợp cùng việc tỉa cành, cắt lá và đảm bảo đủ ánh sáng cho cây quang hợp, giàn chanh dây sẽ cho năng suất cao, ít sâu bệnh

Dự kiến năm 2025, chanh dây sẽ được tiếp cận nhiều thị trường quốc tế, mở ra cơ hội lớn cho ngành rau quả và lợi ích lớn cho nông dân.

TIN LIÊN QUAN