Nội địa hóa linh kiện ô tô: Đến bao giờ?

(NTD) - Để đáp ứng tiêu chuẩn nội địa hóa ô tô lên mức 40%, một số doanh nghiệp trong nước đã bắt tay vào việc xây dựng nhà máy sản xuất phụ kiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà với việc đẩy mạnh sản xuất do còn khá nhiều vướng mắc về chính sách hỗ trợ, chi phí, khả năng cạnh tranh…

Doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi cụ thể

Là 1 trong 5 quốc gia có thị trường ô tô phát triển trong khu vực ASEAN nhưng Việt Nam là quốc gia bất lợi nhất trong cuộc đua với Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. Khi những quốc gia này đã có chính sách cụ thể hỗ trợ cho sản xuất ô tô thì Việt Nam chỉ mới dừng lại ở việc ban hành quy hoạch ngành công nghiệp ô tô, còn kế hoạch hành động thì chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu linh kiện và phụ tùng của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn trong nước đang chịu các mức phí cao liên quan đến việc vận chuyển, đóng gói và thuế nhập khẩu nên đã đẩy giá thành sản xuất của chiếc ô tô lên ngưỡng cao, ảnh hưởng đến giá bán ra thị trường không thể cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), vướng mắc lớn nhất trong ngành công nghiệp ô tô hiện nay là sự thiếu đồng nhất giữa Nhà nước và người dân. Trong khi người dân đang đắn đo trong việc mua ô tô thì Nhà nước lại có những chính sách hạn chế ô tô. Và đây cũng là nguyên nhân khiến cho thị trường ô tô bị hạn chế.

Cũng theo ông Tuấn, quy mô ngành ô tô Việt Nam còn khá nhỏ. Chính vì vậy, doanh nghiệp nội địa đang vướng nhiều khó khăn trong việc sản xuất, lắp ráp. Chưa kể, làn sóng ô tô nhập khẩu vào thị trường trong nước vào đầu năm sau sẽ đe dọa trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Các chính sách hạn chế của Nhà nước sẽ khiến thị trường ô tô thiếu sức cạnh tranh khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong khu vực ASEAN về mốc 0%.

Doanh nghiệp muốn nới lỏng chính sách, hợp tác nội địa

Theo nhận định chung của đại diện các doanh nghiệp, để thúc đẩy nền công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển điều cần làm hiện nay là nới lỏng các chính sách về thuế, các chế độ ưu đãi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông song song với việc phát triển thị trường ô tô thay vì chờ đợi hạ tầng giao thông hoàn thiện mới nới lỏng thị trường ô tô.

Để giải quyết các khó khăn về thị trường, ông Phạm Anh Tuấn mong muốn Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc…. nhằm thúc đẩy việc đẩy mạnh lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước. Có như vậy, chi phí sản xuất mới có chiều hướng giảm, tăng tính cạnh tranh nội ngoại về giá bán.

Tại hội thảo “Phát triển cụm công nghiệp ô tô trên thế giới và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam” vừa diễn ra, đại diện các doanh nghiệp ô tô, hiệp hội ô tô đều có chung quan điểm là phải làm sao đồng bộ được các chính sách để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô. Cùng với đó là chiến lược hỗ trợ phát triển ngành sản xuất linh kiện ô tô trong thời gian dài.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Nhà nước cần hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển cụm công nghiệp ngành ô tô trên cơ sở cắt giảm chi phí và ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa… Chỉ như vậy, doanh nghiệp sản xuất trong nước mới có điều kiện cạnh tranh với các nhà nhập khẩu, việc gom thành cụm sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển, hỗ trợ sản xuất.

Nếu không nới lỏng chính sách hoặc có chính sách ưu tiên cho ngành sản xuất phụ kiện, linh kiện ô tô thì trong tương lai gần chúng ta sẽ chỉ là sân chơi cho các doanh nghiệp ô tô ngoại nhập.

Đức Lộc

 
Nên đọc