Trong một động thái quan trọng hướng tới việc tăng cường tính an toàn của pin lithium-ion, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã công bố việc thay đổi một phần trong bản tiêu chuẩn về vật liệu này. Cụ thể, thay thế Phụ lục 9 của Tiêu chuẩn DENAN J62133-2 (2021) bằng Phụ lục 12 của tiêu chuẩn 62133-2 (2017) của Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế (IEC).
Việc cập nhật tiêu chuẩn sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 27 tháng 12 năm 2024, nhằm mục đích kết hợp các phương pháp giám sát và yêu cầu an toàn nghiêm ngặt hơn đối với pin thứ cấp di động theo Đạo luật An toàn Thiết bị Điện và Vật liệu. Tiêu chuẩn mới tập trung vào việc ngăn ngừa tai nạn cháy nổ bằng cách đưa ra các biện pháp thử nghiệm toàn diện, bao gồm thử nghiệm sạc liên tục và thử nghiệm chu kỳ nhiệt độ.
Bản cập nhật tiêu chuẩn của Nhật Bản nhằm hướng đến sự an toàn đối với pin lithium-ion
Phần nội dung được cập nhật trong tiêu chuẩn là phương pháp tiếp cận có hệ thống nhằm theo dõi từng cell hoặc khối cell trong một bộ pin, một quy trình không được nêu trong tiêu chuẩn quốc gia trước đây của Nhật. Cell được hiểu là một viên pin Li-ion hoặc Li-Po. Mỗi Cell pin là 1 cục pin Li-ion hay Li-po điện thế đơn vị là vôn (V), dung lượng đơn vị (mAh).
Sự phát triển này được kỳ vọng sẽ giúp việc giám sát pin dễ dàng hơn, nhanh hơn và chính xác hơn, giúp giảm đáng kể sự phức tạp và chi phí liên quan đến việc đạt được chứng nhận An toàn sản phẩm thiết bị điện và vật liệu (PSE). Sự thay đổi này đặc biệt có lợi cho các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và xuất khẩu tham gia vào thị trường Nhật Bản và quốc tế, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.
Việc cập nhật bản tiêu chuẩn nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc sạc quá mức pin lithium-ion, giải quyết mối lo ngại quan trọng về an toàn. Tiêu chuẩn này chỉ định một số thử nghiệm, bao gồm sạc liên tục các cell pin trong 28 ngày, chu kỳ nhiệt độ, mô phỏng áp suất thấp, sạc tốc độ cao và bảo vệ quá tải. Các biện pháp này nhằm mục đích nâng cao tính an toàn và độ tin cậy của pin lithium-ion, góp phần ngăn ngừa tai nạn cháy nổ.
Việc đánh giá mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn có thể dựa một phần vào Báo cáo và Giấy chứng nhận thử nghiệm CB IEC, mặc dù có yêu cầu xác minh từng trường hợp cụ thể để đảm bảo tuân thủ tất cả các mục cần thiết và sự khác biệt của quốc gia Nhật Bản.