Nhân viên ngân hàng ACB chỉ nhận lương 12,5 triệu đồng/tháng?

(CL&CS) - Các số liệu cho thấy lương nhân viên ngân hàng ACB trong năm 2020 chỉ là 12,5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng thực tế khác đi rất nhiều.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2020. Bên cạnh việc lợi nhuận tăng trưởng mạnh, một trong những vấn đề được quan tâm chính là mức lương của người lao động ACB chỉ là 12,5 triệu đồng/người/tháng. Với con số này, ACB có thể trở thành ngân hàng trả lương thấp nhất hệ thống.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2020, ngân hàng ACB có 10.902 người, giảm nhẹ so với cuối năm 2019. Giảm nhân sự nhưng ACB lại tăng thù lao. Chỉ tiêu chi lương và phụ cấp tăng nhẹ từ 1.567 tỷ đồng lên 1.634 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi người lao động ACB được trả 150 triệu đồng/người/năm, tương đương 12,5 triệu đồng/người/tháng.

Các số liệu cho thấy lương nhân viên ngân hàng ACB trong năm 2020 chỉ là 12,5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng thực tế khác đi rất nhiều.

Tuy nhiên, thực tế, thu nhập tại ACB có thể khác đi nhiều vì khả năng cao cách tính lương tại ACB khác so với các đơn vị còn lại trong ngành. Ngoài chi lương và phụ cấp, ACB có khoản “chi khác” rất cao. Chỉ tiêu chi khác tăng từ 1.749 tỷ đồng lên 2.209 tỷ đồng.

Nếu khoản chi khác được tính vào lương thì quỹ lương dành cho người lao động ACB sẽ lên đến 3.843 tỷ đồng. Bình quân, mỗi nhân sự nhận được 353 triệu đồng/người/năm, tương đương 29,4 triệu đồng/người/tháng.

Nhân viên công ty con có chênh lệch thu nhập khá lớn so với nhân viên ngân hàng. Tại thời điểm cuối năm 2020, toàn hệ thống ACB (bao gồm ngân hàng và các công ty con) có 11.272 nhân sự. Trong năm, ACB dành 1.753 tỷ đồng cho lương và phụ cấp. Bình quân, mỗi người lao động được trả 156 triệu đồng/người/năm, tương đương 13 triệu đồng/người/tháng.

Có thể thấy, người lao động tại công ty con nhận được thù lao cao hơn đồng nghiệp tại ngân hàng ACB.

Cũng như công ty mẹ, toàn hệ thống ACB có khoản “chi khác” rất cao, lên đến 2.214 tỷ đồng. Nếu khoản chi này được tính vào thu nhập thì mỗi người lao động trên toàn hệ thống ACB nhận 35,2 triệu đồng/người/tháng.

Bất chấp đại dịch Covid-19, ACB đã có một năm khá thành công. Lợi nhuận sau thuế quý 4/2020 đạt 2.550 tỷ đồng, tăng 988 tỷ đồng, tương đương 63,3% so với quý 4/2019; luỹ kế cả năm đạt 7.683 tỷ đồng, tăng 1.673 tỷ đồng, tương đương 27,8% so với năm 2019.

Trong những ngày đầu năm 2021, cổ phiếu ngân hàng đã có nhiều phiên bứt phá, dẫn dắt đà đi lên của VN-Index. Nhưng tại thời điểm cuối tháng 1, áp lực bán ra của cổ phiếu ngành ngân hàng là rất lớn. Trong đó, ACB bị nhà đầu tư mạnh tay “chốt lời”.

Vì vậy, sau gần 1 tháng giao dịch, ACB đang đi lùi. Trong phiên 26/1, ACB lùi xuống 27.850 đồng/CP, giảm 250 đồng/CP so với phiên cuối cùng của năm 2020. Đà đi lùi này của ACB khiến vốn hoá thị trường ACB giảm xuống còn hơn 60.700 tỷ đồng.

ACB đứng thứ 7 trong danh sách các ngân hàng có vốn hoá thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Hồi cuối năm 2020, cổ đông ACB chứng kiến sự kiện lớn của đơn vị này khi cổ phiếu ACB chuyển sàn sang HoSE. ACB cũng gây chú ý khi ký hợp đồng đại lý độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm cho Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ SunLife Việt Nam trong thời hạn 15 năm.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB đang đứng ở vị trí thứ 43 trong danh sách Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản lên đến 2.081 tỷ đồng. Mấy năm trước đây, ông Hùng Huy thường xuyên đứng trong Top 20. Ông Huy rớt hạng khi cổ phiếu TCB của Techcombank và VPB của VPBank niêm yết, tạo ra một thế hệ đại gia ngân hàng mới.

TIN LIÊN QUAN