Nhà ở xã hội: Lãi suất giảm nhưng nhà không có để mua

(NTD) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội (NƠXH) tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, người vay mua NƠXH được hưởng mức lãi suất ưu đãi 4,8% một năm, tương đương 0,4% một tháng. Cơ hội tạo lập cuộc sống tưởng chừng như đến rất gần với người thu nhập thấp đô thị. Dẫu vậy, việc khan hiếm NƠXH đẩy người dân vào thế khó.

Cơ hội tới chưa đúng lúc

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án NƠXH và người mua NƠXH, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỉ đồng, đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, hỗ trợ hơn 56.000 người có thu nhập thấp tạo lập nhà ở.

Tuy nhiên, việc gói tín dụng này chấm dứt giải ngân đối với chủ đầu tư dự án NƠXH từ ngày 1/6/2016 và đối với người mua NƠXH từ ngày 1/1/2017, nhưng đến nay, chưa có gói nào thay thế nên các đối tượng thụ hưởng NƠXH này lâm vào hoàn cảnh không thể thực hiện tiếp hợp đồng, hoặc phải vay thương mại với lãi suất cao kèm theo điều kiện phải có tài sản thế chấp, hoặc phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao.

Với quyết định của Chính phủ lãi suất cho vay ưu đãi NƠXH tại Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ về mức lãi suất ưu đãi 4,8% một năm, tương đương chỉ 0,4% một tháng, “gánh nặng” về lãi suất vay mua NƠXH của người dân sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với lãi suất vay mua nhà thông thường (dao động 9 – 12%/năm).

Lãi suất giảm đi là cơ hội để người thu nhập thấp có thể tiếp cận nguồn vốn vay và sở hữu NƠXH, tuy vậy, rào cản lớn hiện nay đang gặp phải đó chính là nguồn cung.

Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố (HIDS) cho thấy, hiện có gần 100 ngàn hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua NƠXH trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020. Trong đó, có đến 10.000 cán bộ công chức, 39.000 hộ thu nhập nghèo, cận nghèo và 17.000 lao động trong khu công nghiệp có các nhu cầu nói trên. Hầu hết các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua NƠXH, chiếm tỷ lệ cao từ 60% đến 90%.

Mặc dù nhu cầu NƠXH rất cao nhưng khả năng đáp ứng của doanh nghiệp vẫn hết sức khiêm tốn. Tới thời điểm này, đã bước sang tháng đầu của quý 2/2018, thống kê cho thấy, NƠXH vẫn vắng bóng trên thị trường bất động sản TP.HCM.

NƠXH trở thành hàng hiếm

Theo kế hoạch phát NƠXH của Sở Xây dựng, từ năm 2017 đến 2020, thành phố sẽ phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. 3 năm để thực hiện kế hoạch nhưng tới nay vẫn rất ì ạch, lý do NƠXH vắng bóng trên thị trường do nhiều lý do khác nhau từ phía chính quyền cho tới doanh nghiệp. Nhưng rõ ràng sự chậm trễ sẽ khiến người thu nhập thấp đang vuột mất đi cơ hội sở hữu nhà thời điểm mà lãi suất đang được Chính phủ ưu đãi.

Tại Khu Nam TP.HCM, hiện có một dự án NƠXH có quy mô 3 ha, dự kiến khởi công trong năm 2018, do CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư với các cao ốc cao 12 tầng, tổng cộng 902 căn hộ. Tuy nhiên, thay vì xây dựng 100% căn hộ NƠXH, hiện chủ đầu tư xin chuyển đổi một phần sang nhà ở thương mại. Số căn hộ NƠXH từ 902 căn giảm xuống còn 462 căn.

Một dự án NƠXH hiếm hoi xuất hiện tại khu Tây Sài Gòn. Ảnh: PHL

Tại khu Tây Sài Gòn, dự án Imperial Place (số 633 Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân) là dự án NƠXH cung cấp 1.115 căn hộ đang được rất nhiều khách hàng quan tâm. Mang danh là nhà giá rẻ, mức giá dành cho người dân có thu nhập trung bình thấp, nhưng Imperial Place lại được nâng tầm tiêu chuẩn NƠXH, với đầy đủ tiện ích hồ bơi, công viên, trung tâm thương mại, sân vui chơi trẻ em, khu café sang trọng, BBQ ngoài trời, nhà trẻ, trung tâm Gym & Spa, hệ thống PCCC đạt tiêu chuẩn Hàn Quốc, thang máy sử dụng thẻ từ, thắt chặt an ninh, hệ thống lọc nước thủy cục và dẫn nước đến từng nhà, …

Hai dự án với số lượng căn hộ khiêm tốn là chưa đủ trong bối cảnh nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp đang tăng cao. Theo dự báo, trong năm 2018, thị trường bất động sản sẽ không có dấu hiệu giảm nhiệt, giá nhà ở vẫn sẽ không giảm trong thời gian sắp tới. Thị trường bất động sản TP.HCM sẽ tiếp tục thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ, do giá vật liệu xây dựng đang tăng mạnh, quỹ đất ngày càng khan hiếm, chi phí để phát triển dự án mà nhà đầu tư đang phải gánh cũng tăng lên, buộc doanh nghiệp phải bán giá cao để đảm bảo lợi nhuận. Trong khi đó, các chủ đầu tư đua nhau chuyển sang phân khúc cao cấp, khiến NƠXH lại càng khan hiếm hơn.

Nguyên Vũ

Nên đọc