Khối ngoại “chiếm sóng”
Theo CBRE nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam có bối cảnh độc đáo, nơi các danh mục đầu tư bao gồm tài sản tạo thu nhập rất khan hiếm và thường không chào bán nhiều trên thị trường.
Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đều tập trung sự chú ý vào các phân khúc bất động sản khu công nghiệp, bất động sản văn phòng và bất động sản nhà ở. Trong đó, nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các tài sản giảm giá hoặc tài sản thuộc sở hữu của chủ đất đang gặp khó khăn về pháp lý, nguồn vốn... Xu hướng này nêu bật sức hấp dẫn của phân khúc bất động sản nhà ở tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phạm Anh Duy - Giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư, CBRE Việt Nam cho hay, các nhà đầu tư ngoại đều đánh giá cao tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam và sẵn sàng đầu tư để có thể hưởng lợi ngay từ chu kỳ điều chỉnh giá vừa qua. Điều này đặc biệt đúng với thực tế hiện nay, khi bên mua được hưởng lợi từ bên bán là các nhà đầu tư hiện hữu trên thị trường đang cần thoái vốn sau một thời gian nhất định nắm giữ và vận hành tài sản.
Cũng theo đại diện Savills Hà Nội: Việt Nam thể hiện sự ổn định không chỉ về tình hình chính trị, mà còn trong bối cảnh vĩ mô, nơi kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, với lạm phát duy trì ở mức thấp và tỷ giá được kiểm soát ổn định trong tương quan với các nền kinh tế khác trong khu vực. Do vậy, với lĩnh vực địa ốc, Việt Nam vẫn là điểm đến đáng chú ý của các nhà phát triển bất động sản nước ngoài”.
Một nhà phát triển bất động sản tên tuổi khác đến từ Singapore đó Keppel Land hiện đang hiện đang có kế hoạch cùng Phú Long phát triển một “siêu” dự án quy mô đầu tư lên tới hơn 500 triệu USD với khoảng hơn 1.200 căn hộ cao cấp tại Khu đô thị Splendora Bắc An Khánh (nay đổi tên thành Mailand Hà Nội). Dù chưa chính thức công bố, nhưng những thông tin rò rỉ gần đây của đội ngũ môi giới liên quan đến dự án này mang tới dự đoán khu vực phía Tây sẽ tiếp tục là “điểm nóng” của thị trường địa ốc Hà Nội thời gian tới.
Ông Joseph Low - Chủ tịch Khối Bất động sản, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam cho hay, Keppel Land đánh giá cao thị trường bất động sản Việt Nam bởi sự tăng trưởng kinh tế và dân số ổn định, tốc độ đô thị hóa nhanh và lực lượng lao động trẻ, năng động.
Đại diện Keppel Land cũng tiết lộ kế hoạch triển khai mô hình kinh doanh “Tái tạo đô thị bền vững (SUR), kết hợp các yếu tố con người, công nghệ, quy trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả, hiệu suất” như một cách tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm nhà ở của mình tại Việt Nam.
Ở khu vực phía Nam, Gamuda Land - nhà phát triển bất động sản đến từ Malaysia cũng đã cho ra mắt dự án tại khu Đông TP.HCM. Được biết đây là một dự án chiến lược quan trọng của Gamuda Land.
Còn tại Bình Dương, nhóm nhà đầu tư từ Nhật Bản đã tham gia đầu tư dự án dự kiến lên tới hơn 1 tỷ USD với 49% cổ phần, phía đối tác Việt Nam là Công ty Địa ốc Kim Oanh chiếm 51% cổ phần.
Ông Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services nhấn mạnh rằng, quyết tâm vực dậy thị trường bất động sản của Chính phủ bắt đầu mang lại kết quả khả quan, thị trường đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và ngày càng xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, mang tới kỳ vọng phục hồi sớm và các nhà đầu tư ngoại cũng đã nhận thấy điều này.
“Niềm tin với bất động sản đang trở lại, chu kỳ mới đang ra cơ hội cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là với nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”, ông Khôi nói.
Nhiều Luật mới liên quan đến việc sở hữu bất động sản của người nước ngoài
Không chỉ các nhà đầu tư lớn, các chủ đầu tư nước ngoài mà việc người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam cũng đang được quan tâm khi đã có nhiều luật mới liên quan đến việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mới có báo cáo gửi Thủ tướng về việc tiếp thu, giải trình ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án luật Nhà ở sửa đổi.
Liên quan đến quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam nêu tại điểm a khoản 2 điều 22 dự thảo luật Nhà ở sửa đổi, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ rà soát lại các quy định của dự thảo luật Nhà ở sửa đổi để đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/T.Ư ngày 16/6/2022 (Nghị quyết 18); bảo đảm tính thống nhất với dự thảo luật Đất đai sửa đổi, luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Bộ Xây dựng cho biết luật Nhà ở 2014 quy định cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư) tại các khu vực được phép sở hữu nhà ở và người mua nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, hiện trên cả nước có khoảng hơn 3.000 cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và được cấp giấy chứng nhận, chủ yếu là nhà chung cư. Bộ Xây dựng chưa nhận được báo cáo về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà ở riêng lẻ như biệt thự, nhà liền kề.
Theo quy định tại điều 5 luật Đất đai 2013 và dự thảo luật Đất đai sửa đổi, cá nhân nước ngoài không thuộc đối tượng được sử dụng đất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Nghị quyết 18 cũng không đề cập đến việc sử dụng đất của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng cho phép giữ nguyên như dự thảo luật Nhà ở sửa đổi về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư); đồng thời, bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thuê (tại điểm a khoản 2 điều 22 dự thảo luật Nhà ở sửa đổi).