Bắt đầu từ phiên giao dịch 4/11, PDR bị bán tháo với hàng chục triệu cổ phiếu nằm sàn. Khối lượng “chất” tại giá sàn ngày càng tăng khi PDR ngày càng giảm sâu. Những phiên gần đây, khối lượng chất sàn của PDR lên hơn trăm triệu đơn vị nhưng thiếu vắng người mua khiến hàng loạt nhà đầu tư bị “mắc kẹt”.
Trong 17 phiên nằm sàn, PDR giảm đến 70,22% khiến nhiều nhà đầu tư full margin rơi vào tình cảnh cháy tài khoản còn công ty chứng khoán “hoảng sợ” đặt giá sàn để thu hồi vốn.
Trong những ngày “đen tối” của PDR, hàng loạt công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT. Khi cổ phiếu giảm càng sâu, cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt bị các công ty chứng khoán bán càng nhiều.
Đơn cử như CTCP Chứng khoán MB (MBS) đã thực hiện lệnh bán giải chấp cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt với khối lượng lần lượt 446.200 cổ phiếu vào 10/11; 1.621.300 cổ phiếu vào 16/11; 2.591.300 cổ phiếu vào 17/11; 3.603.100 cổ phiếu vào 18/11 nhưng đều không khớp được đơn vị nào.
Hiện tượng trên cũng xảy ra tại nhiều công ty chứng khoán khác như: CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta), CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam)… với tổng khối lượng lên hàng chục triệu đơn vị.
Trong đà giảm giá chưa có điểm dừng của PDR, người nội bộ lại đăng ký bán sạch cổ phiếu đang nắm giữ. Đó là bà Nguyễn Thị Kim Cương, mẹ ruột của ông Trần Trọng Gia Vinh, thành viên HĐQT độc lập của Phát Đạt.
Theo quy định, cứ mỗi lần giảm sàn 5 phiên liên tiếp, công ty niêm yết phải thực hiện giải trình. Do đó, Phát Đạt đã thực hiện 3 lần giải trình việc cổ phiếu giảm sàn trong tháng 11 này.
Trong 3 lần giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) được ký bởi ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc Phát Đạt đều có chung nội dung với hai nguyên nhân khiến PDR giảm sàn.
Thứ nhất, giá cổ phiếu PDR giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế và bị tác động bởi chính sách kinh tế vĩ mô liên quan đến ngành bất động sản.
Thứ hai, nhà đầu tư cổ phiếu PDR có vay ký quỹ bị ép bán chủ động từ những công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn vay.
Kết thúc phiên sáng 28/11, vốn hóa của Phát Đạt chỉ còn 8.060 tỷ đồng. Như vậy, vốn hóa của Phát Đạt đã “bốc hơi” 19.008 tỷ đồng trong chuỗi 17 phiên giảm sàn và 41.138 tỷ đồng kể từ khi PDR đạt đỉnh vào 10/12/2021 khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh trắng tay.