Người vay tiền mua nhà lao đao vì lạm phát

(CL&CS)-Lạm phát tăng, nhiều ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục lãi suất huy động theo hướng tăng lên cùng xu hướng thắt chặt tiền tệ, khiến cả người đã và sắp vay tiền mua nhà “như ngồi trên đống lửa”.

 

Đầu năm 2020, chị Huỳnh Thị Thu Trang (26 tuổi) quyết định vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng và người thân 500 triệu đồng để mua căn hộ diện tích 60m2 với giá 2,5 tỷ đồng tại Quận 12, TP.HCM.

Hợp đồng tín dụng của chị Trang áp dụng mức lãi suất ưu đãi 5,8%/năm trong 2 năm đầu. Đến năm 2022, chị bắt đầu phải trả lãi thả nổi 8%/năm, dự báo sắp tới có thể tăng lên hơn 10%/năm.

Trước đây, chị Trang làm việc toàn thời gian tại một công ty quảng cáo. Khi dịch Covid-19 bùng nổ, toàn TP.HCM phải giãn cách, nguồn thu nhập chính của chị lương từ công ty cũng bị cắt giảm đến 80%. Trong thời gian này, chị đã tìm thêm việc làm online, phần để trang trải cuộc sống, phần còn lại để trả tiền vay ngân hàng. 

Làm việc tại nhà được 3 tháng, chị Trang quyết định nghỉ việc văn phòng để chuyển hẳn sang làm việc tự do (freelance). Thu nhập từ việc làm freelance giúp chị kiếm được 25 - 30 triệu đồng mỗi tháng. 

So với nhiều ngành nghề, mức thu nhập của chị Trang là tương đối cao. Ở tuổi 26, chị Trang rất hãnh diện khi vừa sở hữu nhà riêng lại có được mức thu nhập cao, trong khi nhiều bạn của chị còn đang phải ở nhà thuê. Thế nhưng, hiện tại, niềm hãnh diện ngày nào giờ trở thành áp lực khủng khiếp với chị.

“Sau hai năm hưởng lãi suất ưu đãi, đến năm nay tôi bắt đầu phải trả tiền gốc và lãi với mức lãi suất mới. Mỗi tháng tôi phải trả cho ngân hàng khoảng 20 triệu đồng. Thời gian gần đây, vật giá leo thang, lại gánh thêm tiền lãi, thu nhập tưởng cao nhưng cuối tháng chẳng để ra được bao nhiêu. Cứ phải gồng lưng kiếm tiền trả nợ nhiều lúc làm tôi kiệt sức,” chị Trang nói.

Thời gian gần đây, dưới áp lực tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng cũng đã điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà dao động từ 0,2 - 1%/năm.

Đơn cử, ngân hàng Shinhan Bank mới đây đã thông báo nâng lãi suất cho vay mua nhà bình quân lên tối thiểu 8%/năm. Cụ thể, lãi suất ưu đãi cho năm đầu là 8,2%, ưu đãi cho 3 năm là 8,9%. Đáng chú ý, trước đó, lãi suất cho vay ưu đãi cho năm đầu tiên tại ngân hàng này chỉ là 4,9%/năm.

Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank Việt Nam (UOB) đã tăng lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi từ 6,49%/năm lên 7,69%/năm. 

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng tăng lãi suất cho vay mua nhà thêm 0,2 điểm % lên mức 8,7%/năm. 

Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank) cũng cho vay mua nhà với lãi suất 5%/năm trong 6 tháng đầu, sau đó lãi suất tăng lên 12%/năm. 

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đang áp dụng mức lãi suất cho vay đối với người mua nhà dao động từ 8,59%/năm lên đến 10,39% tùy điều kiện khác nhau.

Một số ngân hàng trong nhóm Big 4 cũng có động thái tăng lãi suất cho vay mua nhà thêm 0,6 điểm % lên mức gần 10%/năm.

Lãi suất cho vay có xu hướng tăng cao khiến không chỉ những người đã vay ngân hàng mua nhà, mà người chuẩn bị vay mua nhà cũng vô cùng đắn đo.

Anh Nguyễn Tuấn Tú (TP.HCM) dự định sẽ vay ngân hàng 900 triệu để mua một căn hộ ở quận Tân Phú. Sau khi tham khảo, anh quyết định chọn vay tại một ngân hàng trong nhóm Big 4 vì có mức lãi suất tốt và hồ sơ vay đơn giản. 

Khi gặp nhân viên tư vấn để thảo luận về hợp đồng tín dụng, nhân viên đưa ra cho anh lãi suất ưu đãi 8,1%/năm cho năm đầu, sau đó thả nổi hơn 10%/năm. Do một vài lý do, anh Tú chần chừ không ký hợp đồng tín dụng, đến nay khi hỏi lại, nhân viên tư vấn thông báo lãi suất ưu đãi đã nhích lên 9,8%/năm khiến anh chưa biết có nên vay tiền ngân hàng lúc này hay không.

“Lãi suất cho vay bỗng dưng tăng nhanh như vậy khiến tôi phải suy nghĩ lại về kế hoạch vay mua nhà của mình, nhất là trong thời điểm lạm phát cao như hiện tại. Nếu không tính toán kỹ lưỡng mà đặt bút ký hợp đồng tín dụng, đến lúc cả lãi suất và lạm phát đều tăng cao, áp lực trả nợ là rất lớn, tôi sợ không kham nổi,” anh Tú chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất cho vay, bao gồm cả cho vay mua nhà là xu hướng tất yếu khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch khi nhu cầu vốn tín dụng tăng cao.

Trong khi đó, suốt 2 năm dịch bệnh, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã duy trì ở mức thấp khiến dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư khác có mức sinh lợi tốt hơn như bất động sản, chứng khoán, tiền điện tử… Điều này khiến các ngân hàng chịu áp lực tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút dòng tiền trở lại. Do đó, lãi suất cho vay rất khó tiếp tục duy trì ở mức thấp như trước.

Theo công ty chứng khoán SSI, thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ còn tăng. Đơn vị này giải thích, từ ngày 1/10, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn sẽ giảm từ 37% xuống còn 34%. Vì vậy, các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn. Hai yếu tố này sẽ đẩy chi phí vốn bình quân của các nhà băng tăng cao, gây áp lực tăng lãi suất cho vay.

Có chung nhận định này là công ty chứng khoán KB (KBSV). Theo đơn vị này, với kịch bản lạm phát có thể tăng thêm 3% trong những tháng cuối năm, lãi suất huy động nhiều khả năng tăng thêm từ 0,5 - 1%/năm, đẩy lãi suất cho vay tăng thêm 0,4 - 0,7%/năm.