Ngành xây dựng nhà ở lao đao

(NTD) - Năm 2019 được dự báo là năm cực kỳ khó khăn cho ngành xây dựng, đặc biệt là các nhà thầu có cơ cấu doanh thu cao trong lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở trung và cao cấp. Trong 6 tháng đầu năm nay, những nhà thầu lớn như: Coteccons, HBC, Ricons... đều công bố doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều dự án bất động sản mới được giới thiệu đã đắp chiếu khiến thị trường xây dựng nhà ở thêm ảm đạm. (Ảnh: Tấn Lợi).

Suy yếu toàn diện

CTCP Xây dựng Coteccons cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, công ty đạt 10.038 tỷ đồng doanh thu và 313 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 20,4% và 56,5% so với cùng kỳ năm 2018. Do có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà thầu và nhiều chủ đầu tư có lợi thế trong đàm phán nên hiện nay, biên lợi nhuận gộp của nhà thầu số 1 này từ mức 6,4-8% trong suốt 3 năm qua xuống mức thấp kỷ lục 3,2%.

Nhà thầu số 2 trên sàn chứng khoán là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) bất ngờ công bố doanh thu 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 9.032 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận của HBC lại giảm đến 42,1%, chỉ còn 175 tỷ đồng.

Một điểm sáng “le lói” của HBC là việc phát hành 25 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc Hyundai Elevator (chuyên sản xuất thang máy, thang cuốn) với giá 23.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn giá thị trường 45%) đã mang về 575 tỷ đồng bổ sung dòng tiền, vốn là điểm yếu nhiều năm qua của công ty này khi mỗi ngày phải trả gần 1 tỷ đồng lãi vay. Là nhà sản xuất thang máy, thang cuốn nên Hyundai Elevator cam kết cung cấp sản phẩm có mức giá cạnh tranh và hỗ trợ HBC có thể trúng các gói thầu lớn.

Có thế mạnh tại phân khúc vừa và nhỏ, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons có sự góp vốn 14,87% cổ phần của Coteccons cũng công bố tình hình tình kinh doanh vô cùng khó khăn. Doanh thu và lợi nhuận của Ricons giảm lần lượt 15,1% và 19,6%. Công ty đạt 2.573 tỷ đồng doanh thu, 102 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Chỉ cung cấp dịch vụ xây dựng cho các dự án của chủ đầu tư CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp) và các công ty thành viên nên so với 3 nhà thầu trên, Hưng Thịnh Incons có quy mô nhỏ hơn và gần như không có sự cạnh tranh. Hoạt động của Hưng Thịnh Incons phụ thuộc hoàn toàn vào những dự án của Hưng Thịnh Corp nên đơn vị này không thể thoát khỏi tình trạng xấu của thị trường. Doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 19% và 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận của Coteccons, HBC trong 6 tháng đầu năm không chỉ giảm so với cùng kỳ năm 2018 mà còn thấp hơn cùng kỳ của năm 2017, thậm chí của Coteccons còn kém xa năm 2016. Chính vì điều này mà từ khi lập đỉnh vào cuối năm 2017 đến nay, cổ phiếu của Coteccons (mã CTD) giảm 56% còn cổ phiếu của HBC (mã HBC) giảm 65% khiến nhiều nhà đầu tư lỗ nặng thậm chí mất sạch vốn nếu sử dụng margin. Hiện nay, CTD và HBC về mức giá của năm 2016 và có khả năng giảm thêm trong thời gian tới khi niềm tin của nhà đầu tư không còn.

Tốc độ tăng trưởng (%) của ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm.

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Coteccons, HBC. Đơn vị tính: Tỷ đồng.

Tiếp tục khó khăn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn bộ thị trường bất động sản sụt giảm 34% về quy mô. Trong đó, sụt giảm về dự án bất động sản 29%, sụt giảm căn hộ đưa ra thị trường 34%. Trong phần sụt giảm căn hộ đưa ra thị trường, phân khúc cao cấp giảm 44%, căn hộ vừa túi tiền giảm 34%.

Điều này cũng được các công ty xây dựng dự báo từ đầu năm 2018 và tiếp tục tái khẳng định sẽ xảy ra trong năm nay khi các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh tăng trưởng âm.

Kế hoạch kinh doanh của Coteccons trong năm 2019 tương đối mù mịt khi doanh thu giảm 5,5% còn lợi nhuận giảm 13,9%. Trong 3 quý gần đây, Coteccons có rất ít thông tin về những hợp đồng mới hoặc có nhưng giá trị tương đối thấp. Điều này ảnh hưởng lớn đến triển vọng tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới. Ngoài ra, nội bộ ban lãnh đạo xảy ra mâu thuẫn lớn khi nhóm cổ đông chi phối Kustochem từ chối phương án sáp nhập Ricons vào Coteccons để tăng quy mô của ban điều hành.

HBC đặt kế hoạch kinh doanh năm nay đều tăng trưởng so với năm 2018. Doanh thu tăng 1,6%, lợi nhuận tăng 14,3% nhưng chuyện doanh nghiệp này có hoàn thành kế hoạch không vẫn là điều bí ẩn trong bối cảnh thị trường suy thoái. Bên cạnh đó, HBC đang gặp khó trong việc quản trị nguồn vốn khi dòng tiền đến từ hoạt động kinh doanh bị âm từ năm 2017 đến nay. Tình trạng nợ phải thu rất lớn, chi phí tài chính tăng quá mạnh do phải đi vay để tài trợ vốn lưu động nhưng bị nhiều khách hàng chiếm dụng và dễ dàng trở thành nợ xấu khi chủ đầu tư không bán được hàng hoặc dự án bị đóng băng.

Theo Tổng cục Thống kê, ngành xây dựng cả nước trong 6 tháng đầu năm nay tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, số liệu 6 tháng đầu năm của ngành xây dựng có mức tăng trưởng năm sau thấp hơn năm trước. Bên cạnh đó, rào cản gia nhập ngành xây dựng không cao nên số lượng nhà thầu tăng lên đáng kể trong những năm gần đây đã gây áp lực lớn đối với tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn ngành và điều này khó được cải cải thiện một sớm một chiều.

TRÍ NGUYỄN

 

Nên đọc