Hiện nay, có 180 doanh nghiệp nhựa đang hoạt động trong 2 mảng là ống nhựa xây dựng và nhựa vật liệu xây dựng. Mảng ống nhựa xây dựng có doanh thu khoảng 12.300 tỷ đồng với 2 doanh nghiệp lớn là CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong và CTCP Nhựa Bình Minh. Còn đối với mảng nhựa vật liệu xây dựng bao gồm nhựa profile, nhôm composite và tấm trần nẹp cửa thì CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á là doanh nghiệp nội chiếm thị phần nhiều nhất.
Tiềm năng lớn
Theo ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), ngành nhựa xây dựng có tiềm năng phát triển mạnh với mức tăng trưởng 15-20%/năm, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức và sự cạnh tranh khốc liệt ngay chính trên sân nhà. Ông Bắc cho biết, hiện thị phần nhựa xây dựng chiếm 18,2% tổng ngành nhưng đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Cụ thể, quy hoạch phát triển ngành nhựa tính đến năm 2020 sẽ tăng thị phần của nhựa xây dựng lên 25%.
“Nguồn cung nguyên liệu đang tăng dần từ sự phát triển của các nhà máy hóa dầu, lợi thế cho doanh nghiệp sản xuất thanh nhựa, trong khi trước đây doanh nghiệp phải nhập khẩu 100%” - ông Bắc đánh giá về các yếu tố góp phần vào sự phát triển của ngành nhựa.
Theo quy hoạch phát triển, cơ cấu ngành nhựa sẽ chuyển dịch cơ cấu, giảm nhựa gia dụng và bao bì, gia tăng thị phần nhựa xây dựng từ 18% (2015) lên 25% (2020) và đến 27% (2025). Thị trường bất động sản tăng trưởng, nhu cầu xây dựng nhà ở và hạ tầng tăng lên là điều kiện thuận lợi cho ngành nhựa xây dựng phát triển. Giai đoạn 2016-2020, nhu cầu cửa/cửa sổ ước sẽ tăng trung bình 42,8 triệu m2/năm. Với thị phần hiện tại của hệ thống cửa nhựa đạt 35%, dự kiến nhu cầu cửa nhựa sẽ tăng trung bình 14,9 triệu m2/năm.
Gia tăng thị phần với sản phẩm thay thế, sản phẩm ngoại nhập. Sản phẩm cửa nhựa với ưu điểm độ bền cao, chi phí thấp, dễ vận chuyển đang dần được ưa chuộng đối với thị trường bất động sản tầm trung và đang có xu hướng tăng lên so với các sản phẩm thay thế.
Cùng với đó, kỳ vọng lớn nhất cho ngành sản xuất nhựa Việt Nam vẫn là 3 hiệp định: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Eu (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở rộng phạm vi khu vực nguồn nguyên liệu được bảo đảm yêu cầu quy tắc xuất xứ để được hưởng mức ưu đãi thuế xuất khẩu.
Cụ thể, nếu nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam được nhập từ 1 trong 16 nước (10 nước khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, Úc, Newzealand, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản) thì đều đáp ứng tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ. Đặc biệt, cùng với Hiệp định thương mại RCEP, EVFTA và TPP thông qua, sản phẩm Việt Nam sẽ tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang những thị trường trên nhờ được giảm thuế.
Ngành nhựa Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh trên sân nhà. |
Cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà
Bên cạnh những thuận lợi kể trên thì ngành nhựa cũng đang đối diện với không ít thách thức. Chia sẻ về điều này, ông Bắc khẳng định: Ngoài áp lực bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm thì sự cạnh tranh trên sân nhà khiến các doanh nghiệp nhựa gặp không ít khó khăn.
Đối với mảng ống nhựa, với nhược điểm là cồng kềnh, khó vận chuyển nên doanh nghiệp trong nước không vấp phải việc cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên, mảng này lại gặp áp lực trước sức ép của các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam qua kênh M&A.
Còn với mảng nhựa vật liệu xây dựng, khác với mảng nhựa ống, doanh nghiệp nhựa xây dựng vấp phải cạnh tranh trên sân nhà bao gồm việc cạnh tranh với các sản phẩm thay thế và cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại trên thị trường.
Một vấn đề khác là doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập (đặc biệt là từ các doanh nghiệp Trung Quốc) trên sân nhà. Hàng nhập khẩu Trung Quốc với mẫu mã phong phú, đa dạng nên chiếm thị phần lớn trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là thị trường thanh profile (hàng nhập khẩu chiếm đến 60%).
Tuy nhiên, nhựa được sản xuất trực tiếp ở Việt Nam cũng có nhiều ưu thế để cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á, cho biết: “Thời gian bảo hành thanh profile của chúng tôi lên đến 12 năm, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm này từ Trung Quốc không có chính sách bảo hành hoặc đổi trả hàng nếu có hư hao”.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, vì vận chuyển chỉ chiếm 3-4% chi phí nên giá bán cũng cạnh tranh. Doanh nghiệp này sẵn sàng đáp ứng hàng cho người tiêu dùng nếu có sẵn trong kho, hoặc chậm nhất chỉ mất 7-10 ngày, trong khi nếu đặt mua từ Trung Quốc thì có thể kéo đến 40 ngày.
Tại hội thảo về ngành nhựa được tổ chức mới đây, một số chuyên gia trong ngành cho biết việc sản phẩm nhựa xây dựng chịu sức ép cạnh tranh là điều đáng lưu tâm. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể lạc quan để sản xuất bởi nếu so sánh với một số sản phẩm nhập ngoại thì hàng nội địa vẫn chiếm nhiều ưu thế. Việc trước mắt doanh nghiệp nhựa Việt Nam cần làm là đẩy mạnh đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất… để vượt qua những đối thủ trong khu vực.
Hiện nay, sản phẩm nhựa của Việt Nam đã xuất khẩu đến 159 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, dù có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây ngành nhựa vẫn có những điểm yếu như phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu vì phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu. Hiện mỗi năm ngành nhựa cần 3,5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào chưa kể hàng trăm hóa chất phụ trợ khác trong khi khả năng trong nước chỉ đáp ứng gần 900.000 tấn nguyên liệu và hóa chất phụ gia cho nhu cầu.
Dự báo đến năm 2020, doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam sẽ cần khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, năng lực cung ứng đầu vào thấp, công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa chưa phát triển. Hàng năm các doanh nghiệp phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu làm giảm sức cạnh tranh nên khó tận dụng được ưu đãi thuế do quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Vân Lam