Ngành gỗ sẽ làm gì trước bài toán thị trường UK

(CL&CS) - Các chuyên gia ngành gỗ đánh giá: UK là một trong những thị trường khó tính đối với sản phẩm từ gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, với hiệu ứng của Hiệp định UKVFTA, doanh nghiệp gỗ sẽ có nhiều cơ hội nếu biết nắm bắt nhu cầu thị trường.

Cùng với việc Hiệp định thương mại tự do UKVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại Việt Nam – Anh trong năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp đại dịch Covid-19.

Chương trình Toạ đàm trực tuyến "Phát huy lợi thế của doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ Hiệp định UKVFTA" do báo Công Thương tổ chức ngày 29/6 tại TP Hà Nội.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh tiếp tục ghi nhận tích cực đạt 2,380 tỷ USD, nhập khẩu hơn 304 triệu USD. Điều này thể hiện sự tích cực, chủ động của doanh nghiệp trong việc khai thác các cơ hội mới từ UKVFTA.

Nội dung nằm trong Chương trình Toạ đàm trực tuyến "Phát huy lợi thế của doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ Hiệp định UKVFTA" do báo Công Thương tổ chức ngày 29/6 tại TP Hà Nội.

Ông Ngô Sĩ Hoài – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đánh giá: UK là một trong những thị trường khó tính đối với sản phẩm từ gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, với hiệu ứng của Hiệp định UKVFTA, trong năm 2021, nước ta xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường này tăng hơn 16,7%, khoảng 267 triệu USD mỹ.

TS Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế cho biết: Không chỉ trong quá trình phòng chống đại dịch Covid-19, mà suốt thời gian qua Việt Nam đã tham gia rất nhiều các hiệp định VFTA, từ đó đã tạo được những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu hàng hóa. Trong thời gian 2 năm vừa qua, là giai đoạn khó khăn mà kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương.

Đối với thị trường UK, ông Thành đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam có các lợi thế nhất định. Thị trường Châu Âu là thị trường quen thuộc của các doanh nghiệp Việt Nam, khi có những sản phẩm như gỗ, da giày. Như vậy, các nước khu vực này họ đã quen thuộc với thị trường Việt Nam từ đó là từ các sản phẩm tiêu dùng. Đây cũng là thị trường lớn mà hàng hóa Việt Nam thường xuất khẩu.

Khi đã một thị trường rộng, đa dạng hóa các lĩnh vực mà các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể tận dụng. Các hiệp định trong đó có UK nằm trong giai đoạn kinh tế Việt Nam có bước chuyển mình rất là mạnh mẽ, như một chất xúc tác, sức ép để đẩy nhanh hơn.

Khẳng định thị trường UK nhiều tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) chia sẻ về những lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại sau hơn 1 năm đi vào thực thi nhấn mạnh: Có thể nói, Hiệp định UKVFTA đã giúp cả Việt Nam và Anh ghi nhận những kết quả tích cực.

Cụ thể, về xuất khẩu đã có những mặt hàng tăng trưởng 3 con số, thậm chí có những mặt hàng tăng trưởng lên tới 4 con số. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là 17% và ngược lại từ Anh sang Việt Nam cũng tăng trưởng hơn 23%.

Đối với ngành gỗ đã có những tăng trưởng trong năm vừa qua, tuy nhiên sản phẩm gỗ các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu sang thị trường UK chưa đến 10% tổng lượng hàng hóa gỗ xuất khẩu.

Ông Ngô Sĩ Hoài cũng cho biết tổng lượng sản phẩm từ gỗ xuất khẩu vào thị trường Uk còn thấp. Đề xuất về vấn đề này, ông Hoài cho rằng: Các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối tốt hơn với một số kênh phân phối hàng hóa tại thị trường UK; cần phải nghiên cứu thị trường, văn hóa thị yếu tiêu dùng các sản phẩm từ gỗ của người Anh, các nét đặc thù so sách với các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Còn đối với thị trường trong nước, ông Hoài cũng đề xuất cần đặc biệt tuân thủ các quy định chất lượng hàng hóa quy chuẩn từ gỗ đó là về nguồn gốc xuất sứ gỗ phải hợp pháp.

Bởi vì, tuy thị trường UK không còn nằm trong khối liên minh Châu Âu nữa, nhưng UK là một quốc gia rất tích cực trong việc thúc đẩy, khởi sướng việc ký kết hiệp định đối tác tự nguyện về tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ (Hiệp định VPA/FLEGT).

Hiệp định VPA/FLEGT: Là Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU nhằm tạo khung pháp lý cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu và EU. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 102 nhằm đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam và rằng các sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được xác minh là hợp pháp. Khi hệ thống cấp phép FLEGT đi vào vận hành, Việt Nam sẽ chỉ xuất khẩu sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT hoặc giấy phép CITES vào thị trường EU. Phía EU cũng sẽ chỉ cho phép gỗ Việt Nam vào EU nếu gỗ đó có giấy phép FLEGT hoặc giấy phép CITES có hiệu lực.

Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường UK cần quan tâm đến nguồn nguyên vật liệu đầu vào khi sản xuất các sản phẩm hướng đến thị trường UK. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành gỗ tích cực trong việc sáng tạo, tạo ra các sản phẩm mẫu mã các sản phẩm hàng hóa từ gỗ. Trách việc một số doanh nghiệp sản xuất chỉ “ngồi chờ” những đơn hàng, mẫu mã để chúng ta thực hiện gia công theo yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài. Vì theo đánh giá các doanh nghiệp của chúng ta thời gian qua đã làm rất nhiều nhưng thành quả hưởng chẳng được là bao nhiêu.

Theo Ông Ngô Sĩ Hoài, Năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ở khâu xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt gần 15 tỷ USD, đặt mục tiêu trong 2 đến 3 năm tới là 20 tỷ USD. Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất chế biến gỗ hàng đầu trên thế giới.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam: Các mặt hàng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn năm 2021 bao gồm: Đồ gỗ, đạt 6,23 tỷ USD, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 6,1% so với năm 2020; Ghế ngồi đạt 3,47 tỷ USD (chiếm 25%), tăng 30,1%; Dăm gỗ đạt 13,6 triệu tấn, tương đương 1,73 tỷ USD (chiếm 12%), tăng 17,2% về lượng và 16,7% về giá trị; Gỗ dán/gỗ ghép đạt trên 2,88 triệu m3, tương đương 1,08 tỷ USD (chiếm 8%), tăng 37,8% về lượng và 50,5% về giá trị; Ván bóc/lạng đạt 2,03 triệu tấn, tương đương 217,56 triệu USD (chiếm 2%), tăng 173% về lượng và 145% về giá trị.