Ngành Dệt May Việt Nam: Tầm nhìn 2045 - Nơi tăng trưởng xanh gặp năng suất

(CL&CS) - Ngày 23/10, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo Ngành Dệt May Việt Nam: Tầm nhìn 2045 - Nơi tăng trưởng xanh gặp năng suất với các nội dung đặc sắc về xu hướng dệt may xanh, công nghệ và năng suất.

Giá trị gia tăng và năng suất của ngành tính theo giá trị gia tăng còn rất thấp

Hiện nay, ngành dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp khoảng 12% kim ngạch xuất khẩu của đất nước và đóng vai trò là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tham gia ở khâu gia công thuần túy với giá trị gia tăng và năng suất của ngành tính theo giá trị gia tăng còn rất thấp so với các quốc gia dệt may phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ.

Ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh với những đối thủ xuất khẩu có nhiều lợi thế

Thông tin với báo chí, ông Hoàng Xuân Hiệp – Đại học Dệt may Hà Nội cho biết, trong ba năm trở lại đây ngành dệt may có nhiều cơ hội nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt nhu cầu tiêu dùng dệt may toàn cầu trồi sụt rất mạnh. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh với những đối thủ xuất khẩu có nhiều lợi thế, như Bangladesh, Campuchia, Myanmar…Điều này buộc doanh nghiệp dệt may trong nước buộc phải tăng sức cạnh tranh để duy trì và mở rộng thị phần. Để làm được điều đó chúng ta phải biết lợi thế cạnh tranh của Việt Nam hiện nay có thể kéo dài được đến bao giờ và yếu tố nào giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh đủ mạnh.

Ngành dệt may Việt Nam thuộc tốp 4 ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD (chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước). Hiện nay, ngành dệt may có khoảng 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, bảo đảm việc làm cho trên 3 triệu lao động trực tiếp trong ngành, chưa kể các ngành liên quan, công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, khi chuyển dịch sang sản xuất xanh, ngành dệt may sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm xanh, bền vững cho người lao động, góp phần ổn định đời sống, nâng cao chất lượng làm việc, đóng góp vào công tác an sinh xã hội quốc gia.

Xanh hóa ngành dệt may

Mặc dù là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng dệt may cũng là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất trên thế giới, vì chuỗi cung ứng sử dụng nhiều tài nguyên và hóa chất, tạo ra lượng lớn chất thải, chất độc hại gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.

Xanh hóa ngành dệt may sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề về môi trường mà ngành này đang gây ra

Lượng khí thải các-bon hằng năm của ngành dệt may thế giới trong vòng đời sản phẩm thời trang (khoảng 3,3 tỷ tấn khí thải CO2) gần bằng lượng khí thải các-bon của cả 28 quốc gia trong khu vực Liên minh châu Âu (EU) (3,5 tỷ tấn). Ngoài việc tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên, ngành dệt may còn chịu trách nhiệm cho 5% khối lượng chất thải toàn cầu. Tác động tiêu cực đến môi trường xảy ra với cường độ khác nhau ở các giai đoạn khác nhau trong vòng đời sản phẩm dệt may, với vai trò khác nhau của người sản xuất và người tiêu dùng trong việc tạo ra và sử dụng sản phẩm. Tác động trực tiếp, lớn nhất của người tiêu dùng lên môi trường gắn liền với giai đoạn sử dụng và thải bỏ.

Do đó, xanh hóa ngành dệt may sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề về môi trường mà ngành này đang gây ra. Doanh nghiệp của ngành cần áp dụng phương pháp sản xuất xanh, lựa chọn nguyên liệu xanh để tạo ra sản phẩm dệt may bền vững hơn khi người tiêu dùng đang có xu hướng ngày càng quan tâm đến tính bền vững, tính thân thiện với môi trường của sản phẩm. Người tiêu dùng đang ngày càng nhận thức được sự cần thiết và tầm quan trọng của hành vi nhỏ góp phần giải quyết các thách thức lớn toàn cầu về ô nhiễm môi trường và tác động đến đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã ý thức được rằng làm được điều này còn giúp cải thiện hình ảnh thương hiệu và mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã bắt đầu luật hóa các vấn đề liên quan đến xanh hóa ngành dệt may trong những năm gần đây như một phần của nỗ lực hướng tới phát triển bền vững. Nổi bật nhất là Liên minh châu Âu với các hoạt động cụ thể, thông qua các quy định và chính sách, như Thỏa thuận xanh châu Âu, Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn, Chiến lược công nghiệp mới cho châu Âu và Chiến lược của Liên minh châu Âu cho ngành dệt may bền vững và tuần hoàn. Do đó, chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh là giải pháp tốt nhất hiện nay để tuân thủ các quy định về tính bền vững của sản phẩm dệt may tại các thị trường này.

Với đặc điểm ngành dệt may kinh doanh hoàn toàn cạnh tranh theo thị trường quốc tế, các quyết định, lộ trình xanh hóa mang tính áp đặt sẽ ít có hiệu quả, mà phải gắn chặt với chuyển biến của toàn bộ nền kinh tế thế giới, trước hết là tại các nước phát triển, là thị trường tiêu thụ chính của hàng hóa dệt may Việt Nam. Đi nhanh hơn thị trường cũng có thể có thiệt hại về tài chính, khó khăn ngắn hạn khi năng lực cung của hàng hóa dệt may xanh, bền vững lớn hơn cầu, nhưng đi chậm hơn thì chắc chắn không có vị trí trong chuỗi cung ứng mới, dẫn tới khủng hoảng toàn diện ngành dệt may.

Thể chế hóa tiêu chuẩn xanh

Do đó, việc thể chế hóa tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt may với lộ trình phát triển và mục tiêu cụ thể, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế xanh trên thế giới là cần thiết. Lộ trình phát triển dệt may xanh cần nêu rõ các mục tiêu, quy định cụ thể cho từng giai đoạn ngắn, gắn với vai trò của các bên liên quan, đồng thời gắn với các cơ chế tài chính để thực hiện mục tiêu, như cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), cơ chế tài chính xanh... Quy định của Chính phủ là điều kiện sàn để đầu tư mới, đầu tư chiều sâu đi đúng định hướng của nền kinh tế xanh, tránh lãng phí của cải vật chất. Tuy nhiên, các mục tiêu này phải rất linh hoạt, liên tục có khả năng điều chỉnh theo diễn biến của thị trường chứ không thể giữ cố định như kế hoạch 5 năm, hay các chiến lược, quy hoạch 10 năm hiện có.

Theo các chuyên gia, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh và áp dụng sáng kiến xanh thông qua các công cụ về tín dụng, thuế, tiếp cận đất đai cũng cần được ban hành. Đặc biệt là, chính sách tài chính có tác dụng bổ sung dòng tiền và lợi thế chi phí cho doanh nghiệp triển khai sản xuất xanh, như giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu các nguồn nguyên liệu tham gia tạo sản phẩm xanh ở trong nước, có nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nhân lực xanh tại doanh nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật và quản lý kinh tế xanh cần được đưa vào chương trình đào tạo từ bậc cao đẳng trở lên để sẵn sàng phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh.

Cần có nghiên cứu mang tính dẫn đường, hướng dẫn và chuyển giao cho doanh nghiệp, cùng với kênh chuyển giao của khách hàng trong chuỗi cung ứng, bảo đảm việc lựa chọn hướng đi cho chuyển đổi sản xuất xanh về phương diện công nghệ không lãng phí.

Đặc biệt, cần tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xanh, như năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng và nước, quản lý tài nguyên và xử lý chất thải, nghiên cứu áp dụng công nghệ sử dụng lại phát thải và rác thải, công nghệ tuần hoàn. Điều này có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra nguồn tài nguyên bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với đối tác, nhà cung cấp máy móc thiết bị để học hỏi, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành dệt may.

Cần xác định khoảng cách về kỹ năng của người lao động trong doanh nghiệp có thể cản trở quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh. Từ đó, xây dựng chương trình đào tạo để nâng cao kiến thức cho lực lượng lao động về tiêu chí của dệt may xanh, thực hành bền vững và công nghệ mới. Hợp tác với trường đại học, cơ sở đào tạo để phát triển chương trình đào tạo lực lượng lao động nguồn cho sản xuất xanh, bao gồm cả lao động trực tiếp và lực lượng quản lý. Xây dựng mạng lưới liên ngành/liên doanh nghiệp để cùng chia sẻ kiến thức, kỹ năng, thực hành xanh hóa sản xuất.

TIN LIÊN QUAN