Nhiều ngân hàng đã báo lãi lớn trong 2 quý đầu năm. Tuy nhiên theo một số chuyên gia thì các nhà băng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn trong thời điểm cuối năm. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa.) |
Đúng như dự báo của chính các ngân hàng từ đầu năm, lợi nhuận nửa đầu năm 2017 của hầu hết nhà băng đều tăng trưởng rất mạnh nhờ hoạt động cho vay tăng trưởng tốt và nợ xấu giảm sau một thời gian dài xử lý.
Ngân hàng hồ hởi báo lãi…
Đi đầu là Vietcombank (VCB). Ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng và con số tuyệt đối về lợi nhuận ở mức rất cao. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Vietcombank đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ và đạt trên 53% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tính trước trích lập dự phòng, lợi nhuận của Vietcombank đạt trên 8 ngàn tỷ đồng.
Nếu không có gì thay đổi, Vietcombank sẽ dễ dàng vượt qua kỷ lục 9,2 ngàn tỷ đồng lợi nhuận và tiến tới ngưỡng 9,5 ngàn tỷ đồng như lãnh đạo nhà băng này đã từng dự tính ngay từ hồi đầu năm.
Với Vietinbank (CTG) đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 4,7 ngàn tỷ đồng, tăng 12% và đạt 54% kế hoạch năm.
Ở khối cổ phần, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt 428 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ. Đến hết 6 tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đạt lợi nhuận trước thuế 483 tỷ đồng, thực hiện được 62% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra là 780 tỷ đồng.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) mới đây cũng công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với khoản lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 494 tỷ đồng và cao hơn 2% so với mức lãi của cả năm 2016…
Nhìn tổng thể, hầu hết các ngân hàng có lợi nhuận trong nửa đầu năm 2017 khởi sắc và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Triển vọng của các ngân hàng khá tươi sáng là bởi nhiều ngân hàng đã trải qua một vài năm tái cấu trúc khá hiệu quả. Nhiều ngân hàng đã có thể cắt giảm chi phí tốt hoặc có những nguồn thu từ nguồn vốn khác và dịch vụ để bù đắp cho sự thiếu hụt và giảm lợi nhuận của tín dụng.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Vietcombank đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ. |
Vẫn còn lo
Ngân hàng báo lãi ngàn tỷ đồng không phải là chuyện lạ, song theo các chuyên gia, chưa thể yên tâm về điều này. Bởi lãi ngàn tỷ đồng tuy lớn, nhưng nếu so quy mô vốn của ngân hàng lại thua kém nhiều ngành khác, cho thấy hoạt động ngân hàng vẫn khó khăn.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hệ thống ngân hàng năm 2016 là dưới 7%, chỉ tương đương với lãi suất gửi tiết kiệm và vẫn thấp hơn so với bình quân khu vực.
Lợi nhuận ngân hàng tuy lớn, song khối lượng nợ xấu cần xử lý vẫn còn rất nhiều, ước khoảng 600.000 tỷ đồng. Việc xử lý khối nợ này sẽ “ngốn” một khoản lợi nhuận không nhỏ của các ngân hàng.
Cùng với đó, tín dụng - nguồn thu chính của ngân hàng thời gian gần đây - tuy tăng trưởng tốt, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai, nhất là khi một nguồn vốn không nhỏ đã được rót vào các lĩnh vực nhạy cảm như giao thông, bất động sản.
Hiện tại, hầu hết ngân hàng Việt Nam mới tập trung vào quản trị rủi ro tín dụng, trong khi rủi ro hoạt động chưa được chú trọng đúng mức. Đây cũng chính là lỗ hổng dẫn đến hàng loạt ngân hàng yếu kém thời gian qua. Basel II sẽ trám lỗ hổng này, song cũng sẽ khiến nguồn vốn cho vay của ngân hàng bị co hẹp. Tuy nhiên, sự co hẹp này là cần thiết để các ngân hàng nâng cao công tác quản trị, tạo nền tảng tăng trưởng cho giai đoạn sau.
Chính vì những lý do trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng không nên vội vàng chạy theo mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, mà phải tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu, siết chặt quản trị rủi ro.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi nhuận của một số nhà băng vẫn tăng cao trong bối cảnh hoạt động ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn là điều đáng mừng. Tuy nhiên, bài toán lợi nhuận sẽ áp lực hơn với các ngân hàng trong thời gian tới khi mới đây nhà điều hành quyết định giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên. Do đó, các ngân hàng hiện nay đang phải tìm mọi cách tiết giảm chi phí để bù vào nguồn thu giảm từ việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, vì lãi suất huy động vẫn được giữ nguyên, không tăng. Nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng, lãi suất giảm có ảnh hưởng đến lợi nhuận 2 quý cuối năm của các ngân hàng, không phải không có cơ sở.
Mai Trinh