Doanh nghiệp khó cầm cự nổi trong mấy tháng nữa
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng động doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiêp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 doanh nghiệp, tức là trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường. Như vậy trung bình mỗi tháng trên 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó bao gồm: 43,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Mỗi tháng qua đi là cả chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, rời khỏi thị trường, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, tổn thất của cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng lớn và có nguy cơ kéo dài”, ông Công lo lắng.
Theo khảo sát của VCCI, đa số doanh nghiệp cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch COVID-19.
Ông Công nhấn mạnh, các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là vô cùng nhiều, vô cùng lớn.
Chủ tịch VCCI cho biết, theo khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).
“Với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lao động, công suất giảm chỉ còn 40-50%. Với các doanh nghiệp ngành gỗ, đã có trên 50% số doanh nghiệp ngành này tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản…”, ông Công thông tin thêm.
Còn về lao động, theo khảo sát của VCCI, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Doanh nghiệp sẽ sụp đổ nếu giãn cách thêm nữa
Chủ tịch VCCI cho rằng đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái “Zero COVID”, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ.
Theo ông Công thì: “Tình hình đã thay đổi, chúng ta cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch”.
Theo đó, lãnh đạo VCCI đã đề xuất 2 chủ trương mới dựa trên mục tiêu từ "Zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ.
Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.
Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Thời chiến tranh, dù bom đạn ác liệt chúng ta cũng không ngừng sản xuất, thì nay dù Covid thế nào, cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn. Để làm được điều này cần có chủ trương, nhận thức và quyết tâm thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Bên cạnh đó, để công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện "bình thường mới", ông Công nhấn mạnh vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết để mở cửa lại nền kinh tế.
VCCI đề nghị Chính phủ, Quốc hội kịp thời cho triển khai nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, quy định mới, kể cả pháp luật, để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.