Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP nhằm phát triển kinh tế nông thôn

(CL&CS) - Trên địa bàn TP. Thái Nguyên có 37 sản phẩm OCOP (chủ yếu là chè búp khô), trong đó có 1 sản phẩm được chứng nhận 5 sao, 26 sản phẩm đạt 4 sao, 10 sản phẩm đạt 3 sao.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên, việc nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất cũng như hiệu quả sản xuất cho người dân khu vực nông thôn.

Thái Nguyên đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP

Chính vì vậy, TP. Thái Nguyên đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương để cùng với các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm. 37 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận đều có bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt và thông tin chỉ dẫn địa lý cụ thể… Trong đó, thương hiệu của nhiều sản phẩm nổi tiếng, được khẳng định trong và ngoài nước như: Sản phẩm chè của HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương; HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu; Độc đáo trà ướp hoa của HTX trà Sơn Dung...

Trên địa bàn TP. Thái Nguyên có 37 sản phẩm OCOP (chủ yếu là chè búp khô), trong đó có 1 sản phẩm được chứng nhận 5 sao, 26 sản phẩm đạt 4 sao, 10 sản phẩm đạt 3 sao. Chương trình đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương đến với các thị trường mới tiềm năng.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất và phát huy tinh thần sáng tạo của người dân, định hướng người dân đến nền kinh tế thị trường, hàng hóa, mở rộng sản xuất trong khu vực nông thôn.

Thực hiện Đề án xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025, TP. Thái Nguyên dự kiến đưa 7 xã về đích NTM nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong hành trình này, TP. Thái Nguyên đã có 2 xã về đích NTM kiểu mẫu, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Qua rà soát, hiện thành phố còn 7 địa phương đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM, còn lại một số chỉ tiêu đang phấn đấu hoàn thiện trong năm 2024.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên: Một trong những nội dung được các địa phương tập trung thực hiện là hoàn thiện các thủ tục đề nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Theo tính toán, trong 7 địa phương đang thực hiện về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì còn 5 xã đang gấp rút các nội dung được chứng nhận sản phẩm OCOP, gồm: Phúc Hà, Đồng Liên, Linh Sơn và Huống Thượng, với các sản phẩm, như: Giò lụa, ổi, mật ong...

Khi được chứng nhận, toàn thành phố sẽ có trên 40 sản phẩm OCOP. Việc này không chỉ góp phần giúp các địa phương hoàn thiện tiêu chí NTM mà còn nâng cao giá trị của nông sản và thu nhập của người dân trên địa bàn.

Hợp tác xã (HTX) nông sản Ong Vàng ở xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên) năm nay đăng ký 2 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP 3 sao, gồm: Mật ong hoa rừng và phấn hoa. Chị Phạm Thị Oanh, Giám đốc HTX, chia sẻ: Khi được UBND xã Cao Ngạn lựa chọn thực hiện Chương trình OCOP, chúng tôi xác định phải tuân thủ các điều kiện trong mọi quy trình. 2 sản phẩm đăng ký thực hiện đều là đặc trưng với HTX và với vùng miền, có tác dụng đặc biệt tốt cho sức khỏe người sử dụng. Hiện, toàn bộ quy trình, từ đăng ký mã số, mã vạch, mẫu mã sản phẩm, câu chuyện sản phẩm… chúng tôi đã hoàn thiện, chờ ngành chức năng của thành phố, thẩm định, chấm điểm.

Qua kết quả tự đánh giá, trong 19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, hiện nay xã Phúc Hà đã hoàn thành 16 tiêu chí, 3 tiêu chí còn lại đang tích cực triển khai thực hiện và hoàn thiện hồ sơ minh chứng.

Theo ông Nguyễn Đức Nhất, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà, qua rà soát những thế mạnh của địa phương, Phúc Hà lựa chọn giò lụa Vân Thông đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao. Cơ sở sản xuất, kinh doanh giò lụa Vân Thông cũng đã và đang được nhiều người tin dùng lâu nay, bởi uy tín ở chất lượng, không sử dụng chất phụ gia, tạo màu, tạo độ dai không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Với sản phẩm này, địa phương đang giao cho cán bộ chuyên môn hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu.

TIN LIÊN QUAN