Khó khăn “bủa vây” môi giới bất động sản
Thống kê từ Hiệp Hội Môi giới Bất động sản (VARS) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận mỗi tháng có tới trên 100 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng các sàn giao dịch bất động sản, thì hiện 20% sàn tiếp tục đối diện với nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang nỗ lực chống đỡ để duy trì hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt và đang cố gắng cầm cự.
Đáng chú ý, số liệu từ Tổng cục thống kê còn chỉ ra, trong 10 tháng đầu năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 3.850, giảm 50,2% so cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, bất động sản tại Việt Nam là lĩnh vực có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều nhóm ngành khác. Một khi thị trường địa ốc gặp khó khăn, sẽ tác động đến không ít ngành nghề khác. Trong đó, đáng chú ý nhất là môi giới bất động sản.
Theo đó, năm 2023 chứng kiến làn sóng đóng cửa, cắt giảm nhân sự của vô số doanh nghiệp bất động sản, từ bị động cho đến chủ động; nhiều môi giới bất động sản đã bỏ nghề hoặc tìm cách xoay chuyển nghề để tồn tại.
TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho biết, thời điểm thanh khoản ổn định, trên thị trường có hơn 300,000 người hành nghề môi giới. Tuy nhiên, hiện nay đã giảm khoảng 70%, chỉ còn hơn 100,000 người hoạt động.
Chưa hết khó khăn khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, môi giới bất động sản lại đón nhận thêm một tin chẳng mấy vui vẻ gì khi vừa qua, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh bất doanh bất động sản năm 2023 mà đáng chú ý là những điều lệ liên quan đến môi giới bất động sản.
Cụ thể, Điều 61 Luật Kinh doanh bất doanh bất động sản năm 2023 quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định và phải đáp ứng loạt điều kiện.
Theo đó, phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản; phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ; có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản.
Trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Luật này.
Điều 61 Luật này cũng quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện có khoảng 200.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên, chỉ 40.000 người có chứng chỉ môi giới bất động sản, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản.
Môi giới bất động sản đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
Cùng với đó, môi giới bất động sản cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các bên trong việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
Trông chờ vào sự phục hồi của thị trường
Mặc dù những khó khăn mà thị trường bất động sản và môi giới đang phải đối mặt là không thể phủ nhận nhưng “trời mưa lâu rồi cũng sẽ tạnh”, thị trường ảm đạm rồi cũng sẽ có lúc tươi sáng. Điều mà các môi giới trông chờ lúc này có lẽ chính là ngày thị trường bất động sản “bay bổng”.
Theo nhận định của TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, những người môi giới tiếp tục hoạt động được coi là những người có đam mê nghề nghiệp và quyết tâm duy trì nghề tới cùng. Việc một số môi giới rời bỏ thị trường được coi là một cơ chế tự nhiên lọc, tạo ra sự công bằng cho thị trường với những người môi giới có đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm.
“Sự xuất hiện của các luật mới vừa được Quốc hội thông qua sẽ cung cấp cơ sở để hoạt động môi giới trở nên chặt chẽ hơn, đảm bảo năng lực và chứng chỉ hành nghề. Hơn nữa, trước khi luật được triển khai, đây cũng là cơ hội tốt để môi giới bất động sản có thêm thời gian để nâng cao năng lực và kiến thức của mình”, ông Đính nhấn mạnh.
Thực tế, trong những tháng cuối năm 2023, các môi giới bất động sản đã tăng tốc “ra quân” để đón sóng thị trường cuối năm. Môi giới tích cực đăng tin hơn; các giao dịch cũng đã được thực hiện nhiều hơn so với giai đoạn đầu năm 2023. Dù giao dịch nhà đất chưa bùng nổ nhưng dấu hiệu ấm lên của thị trường đã được ghi nhận.
Theo một khảo sát trước đó của Datxanh Services về động thái của những môi giới bất động đã nghỉ việc cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2023, có 11% môi giới cho biết đã trở lại nghề trong quý III/2023; 38% số người tham gia cho biết sẽ trở lại khi thị trường đã hồi phục; 24% cho biết đang phân vân, chờ tình hình thị trường năm 2024 sẽ quyết định sau; chỉ có 27% người được hỏi cho biết đã đổi nghề, không có ý định quay lại ngành bất động sản.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp môi giới cũng thận trọng hơn thông qua việc lựa chọn kỹ chủ đầu tư và sản phẩm phân phối. Theo khảo sát mới đây của Datxanh Services đã chỉ ra có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của các doanh nghiệp môi giới khi lựa chọn sản phẩm để môi giới bán hàng trong giai đoạn này, cụ thể: pháp lý bán hàng an toàn (27%); phí trả nhanh (25%); uy tín chủ đầu tư (14%); sản phẩm phù hợp túi tiền (12%); chủ đầu tư truyền thông mạnh về dự án (10%); các yếu tố khác (11%).
Đơn vị này cũng cho biết, mặc dù quý IV/2023 thị trường bất động sản chưa có tăng trưởng đột biến, nhưng chắc chắn có tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ. Với nhiều thông tin chuyển biến tích cực thì hoàn toàn có cơ sở để dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên từ cuối quý IV/2023 và sẽ phục hồi rõ nét hơn vào năm 2024.