Hiện nay, một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh là áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC,... Các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Doanh nghiệp cần chọn đúng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến và có lộ trình cụ thể để thực hiện. Ảnh minh họa.
Đơn cử như tại Công ty Cổ phần Đông Bình (Bắc Ninh) khi áp dụng tích hợp hệ thống quản lý cùng công cụ cải tiến, doanh nghiệp đã tiết kiệm rất nhiều chi phí, đặc biệt sự vận hành trơn tru giúp năng suất lên đáng kể. Đại diện công ty này cho biết, ngay từ khi mới thành lập, công ty đã tiếp cận và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và Hệ thống quản lý về môi trường ISO 14000. Đây cũng là một trong những yêu cầu của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu về chất lượng của khách hàng.
“Trong quá trình áp dụng các hệ thống quản lý này chúng tôi liên tục cải tiến bằng công cụ hỗ trợ như 5S, Lean 6Sigma… Bên cạnh việc kiểm soát tốt hệ thống, chúng tôi nâng cao dần yêu cầu của các công cụ này để làm sao tiêu chuẩn và hệ thống quản lý của doanh nghiệp vận hành tốt. Từ năm 2017, doanh nghiệp đã nâng các hệ thống quản lý này lên phiên bản 2015 và tích hợp hai hệ thống từ ISO 9000 và ISO 14000 tạo ra hệ thống gọn nhẹ, giảm bớt chi phí mà mang lại cho doanh nghiệp một hệ thống chuẩn mực và hiệu quả hơn”, ông Khang chia sẻ.
Không chỉ Công ty Cổ phần Đông Bình, tại nhiều doanh nghiệp khác trên cả nước, việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí và đạt được nhiều lợi ích thiết thực khác.
Tuy nhiên, dù việc triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất đã đem lại hiệu quả nhưng vẫn còn những doanh nghiệp áp dụng không thành công, không mang lại kết quả như mong đợi hoặc chưa thực sự “mặn mà” khi áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ này.
Có nhiều cách lý giải về nguyên nhân của vấn đề nêu trên. Theo một chuyên gia về năng suất của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, do người lãnh đạo chưa thực sự muốn thay đổi, sức ì tâm lý quá lớn dẫn đến việc thay đổi bằng lời nói nhưng hành động vẫn theo guồng cũ. Hơn nữa, hệ thống quản lý cũng có đến hàng chục hệ thống quản lý khác nhau. Doanh nghiệp thường cảm thấy bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, không biết lựa chọn cái gì. Bởi vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp phải chọn đúng phương pháp và có lộ trình cụ thể.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình đào tạo về hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, các chương trình nâng cao năng suất chất lượng... Từ đó, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ có định hướng cụ thể hơn và biết rõ hơn phải bắt đầu, triển khai ra sao khi áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến.