Hệ thống chữa cháy tự động dạng đóng gói là một hệ thống chữa cháy có thể thay thế hệ thống vòi phun nước. Sản phẩm này hiện đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và cả Việt Nam.
Hệ thống chữa cháy tự động dạng đóng gói được đánh giá có khả năng chữa cháy ngang bằng hoặc ưu việt hơn hệ thống vòi phun nước, với hiệu quả chữa cháy cao hơn 4 lần.
Khác với hệ thống chữa cháy truyền thống, hệ thống chữa cháy tự động dạng đóng gói không có bơm, không cần trang bị bể nước, không có hệ thống ống chính chạy xuyên suốt công trình khiến việc thi công, lắp đặt hệ thống đơn giản hơn nhiều. Hệ thống hoàn toàn có thể được lắp đặt khi công trình hoàn thành, thậm chí đã đưa vào sử dụng. Ngoài ra với việc sử dụng cảm biến đa kênh khiến một đơn nguyên bình chứa chất chữa cháy có thể thường trực bảo vệ cho nhiều phòng, khu vực, làm giảm đáng kể chi phí vật tư và thi công, lắp đặt.
Với những ưu điểm vượt trội nêu trên, có thể khẳng định hệ thống chữa cháy này có giá trị thực tiễn rất cao cũng như phù hợp để sử dụng trang bị cho những công trình quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả trong quá trình chữa cháy, việc lắp đặt hệ thống này cần đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13926: 2023 về phòng cháy chữa cháy- Hệ thống chữa cháy tự động do Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ biên soạn. Tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về thiết kế, lắp đặt, thử nghiệm hệ thống chữa cháy đóng gói với chất chữa cháy gốc nước đáp ứng các yêu cầu tại Điều 13 của tiêu chuẩn này.
Hệ thống chữa cháy dạng đóng gói phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định. (Ảnh minh họa)
Theo đó, tiêu chuẩn này quy định chất chữa cháy sử dụng trong hệ thống chữa cháy dạng đóng gói phải có chủng loại phù hợp và được thử nghiệm bảo đảm theo quy định tại Điều 13 của tiêu chuẩn này. Hệ thống chữa cháy tự động dạng đóng gói phải được thiết kế bảo đảm theo các yêu cầu: Khu vực, gian phòng được giới hạn bằng các kết cấu bao che như tường, trần, sàn, cửa… (trừ các cửa, vách,… bằng vật liệu dễ bắt cháy) có diện tích lớn hơn 13 m2 cho phép chia thành 02 hoặc nhiều hơn 02 khu vực chữa cháy đồng thời.
Diện tích khu vực bảo vệ của hệ thống chữa cháy tự động dạng đóng gói phải bằng hoặc lớn hơn diện tích của mỗi khu vực chữa cháy đồng thời. Khi sử dụng kết hợp từ 02 hệ thống trở lên thì diện tích khu vực bảo vệ bằng tổng diện tích khu vực bảo vệ của các hệ thống.
Hệ thống chữa cháy tự động dạng đóng gói phải được lắp đặt để có thể phát hiện và chữa cháy hiệu quả đám cháy phát sinh trong khu vực chữa cháy. Nếu khu vực chữa cháy đồng thời được lắp đặt từ 02 hệ thống chữa cháy tự động đóng gói trở lên, các thiết bị kích hoạt của hệ thống phải được kết nối liên động để có thể đồng thời phun chất chữa cháy.
Đối với hệ thống loại I, cho phép dùng chung bình chữa cháy, thiết bị nhận tín hiệu, thiết bị chuyển tiếp, thiết bị vận hành cho 02 hoặc nhiều khu vực chữa cháy đồng thời.
Tiêu chuẩn cũng quy định không cho phép sử dụng chung thiết bị của các hệ thống bảo vệ cho 02 khu vực chữa cháy đồng thời liền kề nhau, trừ các trường hợp sau: Các khu vực chữa cháy đồng thời được ngăn cách bởi tường, vách ngăn cháy; Khi lắp đặt tại các gian phòng thuộc nhóm nguy cơ phát sinh cháy quy định tại TCVN 7336 và không dùng để ở; Tổng diện tích các khu vực chữa cháy nhỏ hơn 1.000 m2 và hệ thống được lắp đặt đảm bảo dập tắt đám cháy mà không xảy ra cháy lan sang khu vực khác.
Đầu phun của hệ thống phải lắp đặt tại tất cả khu vực ngoại trừ các khu vực: Cầu thang, phòng tắm, nhà vệ sinh; Phòng thiết bị thông tin liên lạc, phòng thiết bị điện tử; Phòng kỹ thuật thang máy, phòng thiết bị thông gió; Nơi lắp đặt máy phát điện, máy biến áp; Giếng thang máy, ống rác, ống gió điều hòa; Khoảng thông thoáng ngoài nhà; Phòng phẫu thuật, phòng nội soi, phòng gây mê, phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân; Phòng chụp X-quang, phòng sử dụng, lưu giữ hoặc xử lý nguồn phóng xạ; Các phòng, khu vực khác có công năng tương tự các công năng nêu trên; Các vị trí khác không cho phép lắp đặt đầu phun vòi nước tự động.
Đầu báo cháy và đầu phun của hệ thống phải được lắp đặt cố định vào tường, trần sao cho khu vực giám sát của đầu báo cháy và khu vực bảo vệ của đầu phun có thể bao phủ hiệu quả một khu vực chữa cháy đồng thời. Đầu báo cháy được bố trí để có thể phát hiện đám cháy một cách hiệu quả và không bị cản trở bởi dầm, cột và các bộ phận tương tự. Đầu phun phải được bố trí để có thể dập tắt đám cháy một cách hiệu quả và không bị cản trở bởi dầm, cột và các bộ phận tương tự. Chiều cao từ sàn đến vị trí lắp đặt đầu phun được quy định không lớn hơn 2,4 m.
Đối với hệ thống loại II, Tiêu chuẩn quy định không lớn hơn 2,5m. Đường ống thép phải được xử lý chống ăn mòn như mạ kẽm, hoặc có độ bền và khả năng chống ăn mòn tương đương hoặc cao hơn.
Đường ống đồng phải sử dụng đồng tinh khiết cao (Cu 99,99%) hoặc loại có độ bền và chống ăn mòn tương đương hoặc cao hơn. Có khả năng chịu áp suất gấp 1,5 lần áp suất làm việc tối đa theo quy định của nhà sản xuất. Các bộ phận kết nối của đường ống kim loại phải bằng vật liệu chống ăn mòn tương đương như đường ống.
Yêu cầu về tính năng và hiệu suất của hệ thống chữa cháy tự động dạng đóng gói phải hoạt động chính xác, dễ điều khiển, kiểm tra, bảo trì và có độ bền cao. Hệ thống không bị ảnh hưởng hoạt động bởi các yếu tố như bụi bẩn, độ ẩm. Các bộ phận tiếp xúc với chất chữa cháy phải được làm từ vật liệu không bị ăn mòn hoặc được xử lý chống ăn mòn. Các bộ phận tiếp xúc với không khí bên ngoài phải làm từ vật liệu khó bị rỉ hoặc được xử lý chống rỉ. Các bộ phận chính của hệ thống phải được làm bằng vật liệu không cháy hoặc chống cháy.
Tiêu chuẩn cũng quy định không sử dụng pin làm nguồn điện chính. Cho phép sử dụng pin có công suất bảo đảm để vận hành đối với hệ thống loại II nếu bảo đảm có thể thay pin dễ dàng; Có chức năng tự động cảnh báo bằng ánh sáng (đèn nhấp nháy) hoặc âm thanh trong 72 giờ trở lên khi điện áp của pin xuống thấp hơn mức điện áp cần thiết để vận hành hệ thống.
Hệ thống phải được lắp đặt chính xác, chắc chắn, không bị lỗi. Tính năng và hiệu suất của hệ thống không bị suy giảm theo thời gian, hệ thống không gây tác động xấu cho con người. Các bộ phận điều chỉnh phải được cố định để không bị điều chỉnh sau khi đã cài đặt.
Thiết bị nhận tín hiệu phải bảo đảm các yêu cầu tự động phát ra cảnh báo bằng âm thanh khi nhận được tín hiệu báo cháy từ đầu báo cháy. Khi thiết bị nhận tín hiệu báo cháy từ hai khu vực trở lên, thiết bị phải tự động hiển thị vị trí khu vực xảy ra cháy. Âm thanh cảnh báo phải có âm sắc và cường độ phù hợp để bảo đảm khả năng cảnh báo cho người trong nhà về đám cháy.
Đối với hệ thống chữa cháy tự động đóng gói, các thông tin phải được ghi tại vị trí dễ thấy, ít bị ảnh hưởng bởi đám cháy: Chữ “Hệ thống chữa cháy tự động đóng gói”; Chủng loại (loại I hay loại II); Phạm vi nhiệt độ sử dụng; Diện tích bảo vệ; Đối với loại sử dụng pin làm nguồn điện chính, cần thể hiện rõ chủng loại pin và điện áp pin; Năm, tháng sản xuất; Số se-ri; Số kiểm định; Dung tích hoặc khối lượng của chất chữa cháy; Các chú ý khi sử dụng; Nhãn hiệu hoặc tên của nhà sản xuất.
Đối với hệ thống họng nước chữa cháy kiểu đóng gói, các thông tin sau phải được ghi tại vị trí dễ thấy, ít bị ảnh hưởng bởi đám cháy: Chữ “Hệ thống họng nước chữa cháy đóng gói”; Loại chất chữa cháy; Phạm vi nhiệt độ sử dụng; Áp suất làm việc lớn nhất; TCVN 13926: 2023; thời gian phun; Tháng, năm sản xuất; Mã kiểm định; Các chú ý về thao tác, sử dụng; Các chú ý khi sử dụng; Nhãn hiệu hoặc tên của nhà sản xuất.