Số cổ phiếu trên được ông Lê Quốc Hưng bán trong thời gian 7/11 - 13/11 và hiện chỉ còn sở hữu 330.000 cổ phiếu KSB ( 0,61%).
Ông Lê Quốc Hưng trở thành cổ đông lớn của Bimico từ đầu năm 2017 và sở hữu đến 9,47% vốn điều lệ của công ty này. Nhưng sau đó ông chuyển nhượng bớt một phần cho vợ ông là bà Lê Thị Ngọc Nữ. Hiện nay, bà Lê Thị Ngọc Nữ còn đang sở hữu 2.345.000 cổ phiếu KSB (4,38%).
36% tài sản tồn tại dưới dạng phải thu khác. Trong đó, phần lớn tập trung ở ủy thác đầu tư trị giá 1.162 tỷ đồng không được thuyết minh ủy thác cho đơn vị nào, hiệu quả ra sao. |
Thời điểm ông Lê Quốc Hưng tăng sở hữu tại Bimico từ 5% lên 9,47%, cổ phiếu KSB tăng từ 30.295 đồng/cổ phiếu lên 50.895 đồng/cổ phiếu nhưng đóng cửa ngày 15/11, KSB chỉ còn 17.100 đồng/cổ phiếu khiến khoản đầu tư của ông Lê Quốc Hưng tại Bimico bị thiệt hại nặng.
Tại thời điểm gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Bimico, trao đổi với báo giới, ông Lê Quốc cho rằng Bimico là một công ty có tiềm năng phát triển tốt, có định hướng và chiến lược rõ ràng và lâu dài. Bimico là doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng rất ấn tượng. Thị giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị, chưa phản ánh hết tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. HĐQT có chiến lược phát triển rất rõ ràng và khả quan.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đầu tư, ông Lê Quốc Hưng phải bán bớt cổ phiếu KSB và chấp nhận khoản lỗ khoản 50%. Trong khi đó, cổ phiếu KSB giảm 67% từ đỉnh được thiết lập vào 7/2017 và giá trị vốn hóa của công ty đã bốc hơi gần hơn 1.800 tỷ đồng.
Mặc dù hoạt động kinh doanh cốt lõi của Bimico tốt, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn hàng năm, hoạt động kinh doanh mang về nguồn tiền đều đặn cho công ty. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của công ty ẩn chứa nhiều rủi ro.
Tại thời điểm 30/9, vay nợ ngắn hạn của công ty tăng gấp 7,8 lần so với đầu năm nay và đạt 564 tỷ đồng. Nguyên nhân là 500 tỷ đồng trái phiếu được phát hành vào 6/2018 sắp đến hạn phải trả.
Vay dài hạn giảm 160 tỷ đồng là do Bimico chuyển trái phiếu năm 2018 từ nợ dài hạn sang nợ ngắn hạn nhưng công ty lại phát hành thêm 350 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 11%/năm cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Những khoản vay này đều chịu lãi suất cao và với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh được công ty “đẩy” vào khoản phải thu khác. Trong kỳ khoản phải thu này tăng 1,7 lần lên 1.333 tỷ đồng, gồm 1.162 tỷ đồng ủy thác đầu tư, 156 tỷ đồng hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận với CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt.
Khoản ủy thác đầu tư trị giá 1.162 tỷ đồng - chiếm đến 36% tổng tài sản - không được công ty thuyết minh ủy thác cho đơn vị nào và hiệu quả ra sao trong khi một phần nguồn vốn này phải chịu lãi suất cao.
Trí Nguyễn