Nguy cơ thua lỗ
Kể từ năm 2017, hệ thống ngân hàng Việt Nam có nhiều khởi sắc. Rất nhiều đơn vị công bố lãi tăng vượt bậc so với năm 2016. Sang quý 1/2018, tín hiệu tốt này vẫn được duy trì, nhưng không phải ở tất cả các đơn vị. Một vài ngân hàng nhỏ vẫn phải dùng “phao cứu sinh” chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Những ngân hàng nhỏ phải dùng “phao cứu sinh” để thoát lỗ chính là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).
Gương mặt quen thuộc nhất phải nhờ “phao cứu sinh” chính là NCB. Mặc dù là công ty đại chúng và niêm yết trên thị trường chứng khoán nhưng NCB lại không bố báo cáo tài chính quý 1/2018 với đầy đủ thuyết minh báo cáo tài chính. Không công bố thuyết minh đồng nghĩa với việc NCB đã không cho cổ đông biết tình hình nợ xấu chính xác của mình.
NCB liên tục không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để "cứu" lợi nhuận. |
Dựa vào các số liệu có được trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/208, có thể thấy, NCB chưa thực sự có sức khỏe tốt khi nhiều chỉ tiêu quan trọng hoặc tăng trưởng rất chậm hoặc tăng trưởng âm.
Lợi nhuận sau thuế quý 1/2018 của NCB chỉ đạt 10.8 tỷ đồng. Con số này có được là do NCB không trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Nếu NCB áp dụng con số trích lập 62 tỷ đồng của năm 2017 thì ngân hàng đã thua lỗ 51,2 tỷ đồng.
Trước thềm sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), PGBank cũng phải “làm đẹp” báo cáo tài chính nhờ “làm xiếc” với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Tại thời điểm 31/3/2018, nợ xấu tại PGBank đạt 634 tỷ đồng, chiếm 2,94% tổng dư nợ tín dụng và tăng 86 tỷ đồng so với cuối năm 2017, tăng 168 tỷ đồng so với quý 1/2017. Nợ có khả năng mất vốn tăng từ 316 tỷ đồng lên 345 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng nhưng chi phí dự phòng lại được điều chỉnh giảm sâu để đảm bảo ngân hàng không thua lỗ. Trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại PGBank chỉ đạt 19,8 tỷ đồng, giảm 440,9 tỷ đồng, tương ứng 95,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu trích lập dự phòng đúng như năm ngoái, lợi nhuận sau thuế của PGBank sẽ không còn là 65,9 tỷ đồng như báo cáo mà sẽ là thua lỗ 374 tỷ đồng. Đây có thể sẽ là con số thua lỗ kỷ lục của ngành ngân hàng trong thời gian này.
Ngân hàng “bét bảng”
Phải “làm xiếc” với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng để đảm bảo lợi nhuận dương nên cả NCB và PGBank đều là những ngân hàng nằm ở Top “bét bảng” trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Mặc dù đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ lâu với mã chứng khoán NVB nhưng ngân hàng NCB vẫn ì ạch trong việc tăng vốn. Tới ngày 31/3/2017, vốn điều lệ của NCB vẫn dừng ở mức rất thấp, chỉ 2.981 tỷ đồng.
PGBank suýt lập kỷ lục về thua lỗ nếu không "cậy nhờ" chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. |
Sau nhiều năm hoạt động, vốn chủ sở hữu của ngân hàng này chỉ nhúc nhích rất nhẹ lên 3.218 tỷ đồng. Con số này cho thấy lợi nhuận tích lũy của ngân hàng rất thấp.
Với kết quả bết bát đó, cổ phiếu NVB không được nhà đầu tư quan tâm và rơi vào tình cảnh giao dịch dưới mệnh giá suốt thời gian dài. Đóng cửa phiên giao dịch 18/6, NVB dừng ở mức 7.600 đồng/CP. Thanh khoản của NVB khá thấp. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của cổ phiếu này chỉ đạt 575.410 đơn vị.
Hiện tại, ông Nguyễn Tiến Dũng đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị NCB. Ông ngồi thay “ghế nóng” cho vợ mình là bà Trần Hải Anh từ ngày 10/11/2017. Ngoài chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị NCB, ông Dũng còn được biết đến là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm nhà sáng lập Tập đoàn Gami.
Tương tự NCB, PGBank dù không gánh chịu thua lỗ nhưng với lợi nhuận èo uột, ngân hàng này không nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư. Tuy nhiên, chỉ từ khi có thông tin sẽ sáp nhập vào HDBank, cổ phiếu PGBank sôi động hơn trên thị trường OTC và đang đạt mức giá khoảng 18.000 đồng/CP.
Về mức lương, người lao động của hai ngân hàng này cũng chịu thua thiệt hơn so với các đơn vị khác trong cùng hệ thống. Trong quý 1/2018, thu nhập tại PGBank là 40 triệu đồng/người/3 tháng, tương đương 13,3 triệu đồng/người/tháng. Còn thu nhập tại NCB vẫn còn là ẩn số khi NCB không công bố thuyết minh báo cáo tài chính. Tuy nhiên, theo số liệu năm 2017, mỗi nhân viên NCB được trả 12,7 triệu đồng/người/tháng.
Vy Vy