Dự báo nợ xấu vẫn là "gánh nặng" của nhiều ngân hàng từ giờ đến cuối năm. |
Kết thúc quý 3, trong báo cáo tài chính đã thể hiện rõ lợi nhuận ngân hàng đã có sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và đạt kế hoạch khá cao. Bên cạnh con số lợi nhuận được chú ý thì vấn đề nợ xấu của các ngân hàng cũng được soi khá kỹ, có ngân hàng kiểm soát nợ xấu khá tốt nhưng với một số ngân hàng thì vấn đề vẫn áp lực lớn.
Nợ xấu phân hóa rõ nét
Nằm trong tốp nợ xấu kiểm soát tốt là HDBank. Kết thúc 3 quý đầu năm tỷ lệ nợ xấu của HDBank quản lý ở mức chỉ 1,14%, mức rất thấp so với toàn thị trường. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank cũng được kiểm soát ở mức thấp, chỉ 0,86% tính đến cuối tháng 9/2017. Tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu của riêng ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2017 ở mức 2,6%.
Đối với NCB, nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,37%. Ngân hàng đã thực hiện phân loại nợ và bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trên tổng dư nợ.
SHB cho biết tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 của ngân hàng này chỉ ở mức 1,85%, giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm trước (1,87%). Tỷ lệ nợ quá hạn là 3,08% trong khi cuối năm trước là 3,25%.
Bên cạnh những ngân hàng kiểm soát nợ xấu tốt thì một số ngân hàng vẫn có mức nợ xấu khá cao. Theo công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017 thì nợ xấu của LienVietPostBank ở mức 1,19%. Mặc dù mức nợ xấu này thấp hơn mức quy định của NHNN nhưng lại tăng gần 28% lên 1.132 tỷ đồng. Còn tại Saigonbank lũy kế 9 tháng đầu năm, nợ xấu của ngân hàng này vẫn tiếp tục tăng với 369 tỷ đồng, tăng gần 12%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,77%, khá sát với mức trần quy định.
Tuy mức nợ xấu của Sacombank còn khá cao nhưng con số này cũng đã được cải thiện nhiều so với hồi đầu năm. Điều này cho thấy Sacombank đang có những bước tiến trong thời gian gần đây sau khi có người lãnh đạo mới và phương án tái cơ cấu ngân hàng chính thức được phê duyệt. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn Sacombank đã xử lý được khoảng 7.000 tỷ đồng nợ đọng và mang về lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng.
Áp lực nợ xấu đến cuối năm vẫn cao
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM cho biết, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực đã tạo điều kiện tích cực cho các ngân hàng xử lý nợ xấu. Nhất là ở những nhà băng có nợ xấu cao, qua đó cho phép dần hình thành thị trường mua - bán nợ theo cơ chế thị trường.
Hiện tại đã có một số ngân hàng sau khi siết nợ tài sản bảo đảm đã đưa giá bán đấu giá. Vì hầu hết các món nợ này khi chào bán đều thấp hơn giá trị (tính cả vốn và lãi suất cộng lại đến thời điểm bán), nhiều ngân hàng buộc phải chấp nhận giảm một phần lãi phạt, thậm chí giảm gần như toàn bộ lãi phạt cho khách hàng để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và thu hồi nợ. Tuy nhiên, vấn đề xử lý nợ xấu cũng phụ thuộc nhiều yếu tố, chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn được. Như vậy, nhiều ý kiến cho rằng từ giờ đến cuối năm, nợ xấu vẫn là nỗi lo của nhiều ngân hàng.
Bên cạnh đó, chuyên gia tài chính - kinh tế cho rằng, việc nâng mục tiêu tín dụng lên thêm 3% khiến lượng vốn bơm ra nền kinh tế là khá lớn, khó kiểm soát dòng vốn này chảy vào thị trường bất động sản, gây rủi ro nợ xấu leo dốc trở lại.
Theo dự báo của TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu như các ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay mạnh tay như 9 tháng đầu năm thì rất có thể đến cuối năm nợ xấu sẽ tăng cao hơn năm ngoái. Để tránh tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước cần có sự đánh giá tín dụng cho năm nay, cần xem xét lại mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21-22% cho năm 2017.
Do đó, cùng với việc đẩy mạnh tín dụng các ngân hàng phải gia tăng chuẩn mực hoạt động và chất lượng tài sản, nhất là với tín dụng.
Mai Trinh