Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã cùng nhiều tổ chức tham gia vào nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng một lực lượng lao động có khả năng phục hồi, chống chịu tốt và bảo đảm an toàn cho mọi người.
Bố trí công việc và địa điểm mới, giao thức thay đổi và sự không chắc chắn đè nặng lên tâm lý của mọi người chỉ là một số trong nhiều thách thức mà người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục phải đối mặt khi đại dịch COVID-19 đang tiến triển. Mặc dù vắc-xin mang lại hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy sự kết thúc của thời kỳ này, nhưng rõ ràng là mọi bất ngờ có thể ập đến bất cứ lúc nào và công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khủng hoảng khẩn cấp để bảo vệ sự an toàn, sức khỏe của người lao động cũng như đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra liên tục là một công thức để thành công.
Cô Sally Swingewood, Thư ký Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 283, Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, mà Ban thư ký là BSI - Cơ quan tiêu chuẩn Anh - Thành viên của ISO, cho biết giai đoạn này đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng khi có được sự nhanh nhẹn, linh hoạt và lập kế hoạch kinh doanh liên tục.
Ban kỹ thuật ISO/TC 283 mới đây đã biên soạn Quy định kỹ thuật phổ biến rộng rãi (Publicly Available Specification- PAS) ISO/PAS 45005, Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp - Hướng dẫn chung về làm việc an toàn trong đại dịch COVID-19, một dạng tài liệu/ấn phẩm kỹ thuật của ISO được phổ biến rộng rãi để giúp người sử dụng lao động và người lao động trong mọi lĩnh vực công việc, từ qui mô doanh nghiệp một thành viên đến phạm vi đa quốc gia.
Thông thường PAS được xuất bản để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường. Cũng giống như Quy định kỹ thuật (Technical Specification -TS), PAS được công bố để sử dụng ngay lập tức và cũng là một phương tiện để thu thập thông tin phản hồi từ người sử dụng và các bên liên quan khác để cuối cùng, nếu thích hợp, sẽ nâng cấp thành Tiêu chuẩn quốc tế. Các PAS có tuổi thọ sử dụng tối đa là sáu năm, sau đó chúng có thể được xem xét để chuyển đổi thành Tiêu chuẩn quốc tế hoặc bị hủy bỏ.
Tài liệu ISO/PAS 45005 này được phát hành nhằm hỗ trợ nỗ lực toàn cầu trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Với mong muốn mọi người lao động đều được hưởng lợi, tài liệu này đã được cung cấp miễn phí trên website của ISO và có thể truy cập trực tuyến từ mọi nơi trên thế giới.
Trong khi một Tiêu chuẩn quốc tế ISO trung bình phải mất ba năm để trải qua đủ các bước biên soạn thì ISO/PAS 45005 đã được xây dựng với thời gian ngắn kỷ lục, chỉ trong ba tháng, để đáp ứng sự cấp bách của tình hình và sự cần thiết của những thông tin như vậy ở thời điểm hiện tại. Các chuyên gia từ 26 quốc gia đã làm việc không mệt mỏi để đưa ra các hướng dẫn trong tài liệu và đã được 80 quốc gia thành viên của Ban kỹ thuật ISO về quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp phê duyệt.
ISO/PAS 45005 cung cấp hướng dẫn cho các tổ chức về cách thức quản lý các rủi ro phát sinh từ đại dịch COVID-19 để bảo vệ an toàn, sức khỏe và hạnh phúc liên quan đến công việc, bất kể là làm việc tại nhà, từ xa trên phương tiện di động hay nơi làm việc bất kỳ nào.
Tài liệu này đưa ra các khuyến nghị thực tế có thể áp dụng cho các tổ chức thuộc mọi quy mô và lĩnh vực, bao gồm cả các tổ chức:
- đã hoạt động trong suốt đại dịch;
- đang tiếp tục hoặc có kế hoạch tiếp tục hoạt động sau khi đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần;
- đang sử dụng lại những nơi làm việc đã bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần;
- mới thành lập và bắt đầu có kế hoạch hoạt động.
Tài liệu này cũng cung cấp hướng dẫn liên quan đến việc bảo vệ mọi đối tượng lao động (Ví dụ: Người lao động được tổ chức tuyển dụng, người lao động của các nhà cung cấp bên ngoài, nhà thầu, cá nhân tự làm chủ, nhân viên các cơ quan, người lao động lớn tuổi, người lao động khuyết tật và những người sơ cứu/phản ứng đầu tiên) và các bên quan tâm có liên quan khác (Ví dụ: Khách đến thăm nơi làm việc, bao gồm mọi thành viên trong cộng đồng).
ISO/PAS 45005 không nhằm cung cấp hướng dẫn về cách thực hiện các quy trình kiểm soát lây nhiễm cụ thể trong lâm sàng, chăm sóc sức khỏe và các thiết lập khác đã được nêu trong các văn bản hướng dẫn, quy định pháp luật của chính phủ, cơ quan quản lý và cơ quan y tế ở mỗi quốc gia.
Các chính phủ, cơ quan quản lý và các cơ quan chuyên môn khác trên toàn thế giới đã công bố hướng dẫn về cách làm việc an toàn trong đại dịch COVID-19. Do vậy, tài liệu này sẽ cung cấp một bộ hướng dẫn chung duy nhất bổ sung cho thông tin đó và hỗ trợ các nguyên tắc là:
- Các biện pháp hợp lý để quản lý các rủi ro phát sinh từ COVID-19 đang hoặc sẽ được thực hiện để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người lao động và các bên quan tâm có liên quan khác;
- Không được yêu cầu người lao động làm việc nếu như các biện pháp này chưa được thực hiện.
Thực tế là nhiều tổ chức nhỏ không có các bộ phận chuyên trách cho các chức năng như sức khỏe và an toàn nghề nghiệp, quản lý cơ sở vật chất hoặc nguồn nhân lực. Bằng cách thực hiện hướng dẫn trong tài liệu này, các tổ chức bất kể bản chất hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ, quy mô hay mức độ phức tạp sẽ có thể:
- Thực hiện hành động hiệu quả để bảo vệ người lao động và các bên quan tâm có liên quan khỏi các rủi ro liên quan đến COVID-19;
- Chứng minh rằng tổ chức đang giải quyết các rủi ro liên quan đến COVID-19 bằng một cách tiếp cận có hệ thống;
- Đưa ra một khuôn khổ để có thể thích ứng hiệu quả và kịp thời với tình hình thay đổi.
Chúng ta hy vọng hướng dẫn này của ISO sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp thích nghi, tồn tại và trụ vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bất kể tình hình nội tại có thay đổi như thế nào, cũng không làm ảnh hưởng đến an toàn của người lao động. Bằng cách chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ, chúng ta sẽ có thể duy trì được cả cuộc sống và công ăn việc làm.
Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, công việc của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến cả tinh thần mọi người. Khi đại dịch kéo đến, tâm lý căng thẳng cũng là điều dễ hiểu. Sức khỏe tinh thần cũng bị thách thức nghiêm trọng trong năm vừa qua và điều quan trọng là chúng ta phải thoát ra khỏi mọi tác động, ảnh hưởng xung quanh, tâm lý căng thẳng, lo lắng hay chán nản. Sức khỏe tâm lý là một vấn đề toàn cầu và nó đòi hỏi một cách tiếp cận toàn cầu để không chỉ phá bỏ những điều cấm kỵ mà còn cung cấp cả những giải pháp cụ thể.
Với nhận thức này, ISO đang hoàn thiện những bước cuối cùng để xuất bản tiêu chuẩn ISO 45003, Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp - Sức khỏe tâm lý và an toàn tại nơi làm việc - Hướng dẫn quản lý rủi ro tâm lý xã hội. Tiêu chuẩn này sẽ đưa ra hướng dẫn về quản lý rủi ro về sức khỏe và an toàn tâm lý trong hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Tiêu chuẩn đề cập đến nhiều lĩnh vực có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của người lao động, bao gồm giao tiếp không hiệu quả, áp lực quá mức, sự lãnh đạo yếu kém và văn hóa tổ chức.
ISO 45003 sẽ giúp người dùng đáp ứng các yêu cầu của ISO 45001, Tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên trên thế giới về hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, là nền tảng của một tổ chức có khả năng trụ vững tốt, với lực lượng lao động mạnh mẽ, khỏe mạnh và hạnh phúc.
Tiêu chuẩn ISO 45001, Hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng, đã được ISO công bố năm 2018, áp dụng cho các tổ chức mong muốn cải thiện sự an toàn của nhân viên, giảm thiểu rủi ro tại nơi làm việc và tạo điều kiện làm việc tốt hơn, an toàn hơn.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mỗi ngày có hơn 7600 người chết vì tai nạn lao động hoặc bệnh tật. Đó là lý do tại sao Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO gồm các chuyên gia về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp đã bắt tay vào nghiên cứu để xây dựng nên một tiêu chuẩn quốc tế với khả năng cứu sống gần ba triệu người mỗi năm. Tiêu chuẩn có cấu trúc tương tự như các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý khác, cách tiếp cận quen thuộc với người sử dụng các tiêu chuẩn như ISO 14001 về Hệ thống quản lý môi trường hay ISO 9001 về Hệ thống quản lý chất lượng. Tiêu chuẩn ISO 45001 được xây dựng dựa trên thành công của các tiêu chuẩn quốc tế trước đó trong lĩnh vực này như OHSAS 18001, Hướng dẫn về ATVSLĐ của ILO, nhiều tiêu chuẩn quốc gia khác cũng như các tiêu chuẩn và công ước lao động quốc tế của ILO./.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).