Hưng Yên: Áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh

(CL&CS)- Xác định khoa học công nghệ là nhân tố góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hưng Yên đã tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, phát triển đúng định hướng đề ra.

Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được UBND tỉnh Hưng Yên xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động khoa học công nghệ đã đạt được những thành tựu nhất định. Điều đó thể hiện ở năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; Trong lĩnh vực công nghiệp: Công nghiệp gia công, sản xuất thô đang giảm dần, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp xanh gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái ngày càng được quan tâm và phát triển đã mang lại giá trị gia tăng ngày càng cao.

Thời gian qua, lĩnh vực khoa học công nghệ của tỉnh Hưng Yên đã được cơ cấu theo hướng: Cùng với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo thì tăng cường khoa học ứng dụng nhằm đi tắt đón đầu, nhanh chóng đưa các tiến bộ khoa học công nghệ áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Xuất  phát từ ý tưởng nghiên cứu thiết bị hỗ trợ người chăn nuôi lợn kiểm soát điều kiện chuồng nuôi nhằm bảo đảm chăn nuôi hiệu quả, an toàn, ông Phạm Hồng Sơn - Công ty kỹ thuật Hưng Yên đã cùng đội nhóm nghiên cứu, thiết kế thiết bị để kiểm soát vi khí hậu trong trang trại chăn nuôi. Hiện, nhóm nghiên cứu này đã thành công đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống thiết bị kiểm soát vi khí hậu. Sau khi hoàn thiện và đăng ký bảo hộ, thành quả nghiên cứu KCN này đã được chuyển giao tới các doanh nghiệp có trang trại trong và ngoài tỉnh.

Áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh

Ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ: Thiết bị kiểm soát vi khí hậu gồm 3 bộ phận: Máy cảm biến, bộ điều khiển và bộ phát trung tâm. Khi máy được gắn vào trang trại khép kín, mọi dữ liệu thu thập được trong trang trại sẽ được báo về thiết bị thông minh như điện thoại, máy vi tính. Khi các thông số trong chuồng nuôi không bảo đảm, hệ thống sẽ gửi cảnh báo ngay lập tức để chủ trang trại biết và có giải pháp điều chỉnh phù hợp nhằm bảo đảm các điều kiện vi khí hậu tốt nhất cho cây trồng, vật nuôi.

Trong quá trình thử nghiệm tại 95 trang trại của các doanh nghiệp, HTX chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã cho kết quả rất khả quan. Đối với các trang trại giống, nâng cao tỉ lệ sinh đẻ bình quân trong tháng từ 11,5 – 12,01 heo con/lứa, tăng giá trị heo con lên giúp chủ trang trại có thêm lợi nhuận khoảng 40 – 45 triệu đồng/tháng. Đồng thời, giảm tỉ lệ chết của heo con. Đối với heo thịt cũng thấy được sự tiến triển khi lắp đặt hệ thống: giảm tỉ lệ chết từ 4% xuống 1,32%, giảm chi phí thức ăn. Khi ứng dụng hệ thống vào trang trại không chỉ tăng năng suất sản xuất mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm. Cụ thể, hàm lượng protein đã tăng 4,6% đối với thịt gà, 6,1% đối với thịt heo, làm giảm 2,4% lượng mỡ của thịt….

Bà Phạm Thị Yến - là chủ doanh nghiệp có diện tích chuồng tại Hưng Yên chia sẻ: Từ ngày áp dụng thiết bị kiểm soát vi khí hậu, tôi dễ dàng kiểm soát được nhiệt độ chuồng, nhiều trang trại của doanh nghiệp cho năng suất thịt cao hơn, thịt cũng được các thương lái đánh giá cao. Công ty chúng tôi vô cùng rất phấn khởi. 

Với dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng mô hình sản xuất dược liệu nghệ vàng của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu do bà Lê Thị Thu Hằng làm chủ dự án. Kỹ thuật khoa học công nghệ trong trồng trọt thực hiện theo 4 quy trình công nghệ bao gồm Quy trình kỹ thuật nhân giống cây nghệ vàng; Quy trình kỹ thuật trồng trọt cây nghệ vàng; Quy trình kỹ thuật thu hái, sơ chế và bảo quản cây nghệ vàng; Quy trình chiết xuất và tinh chế curcumin. 

Các dự án khoa học công nghệ sau khi thí điểm và được ứng dụng rộng rãi đều cho kết quả tích cực, đem lại năng suất, chất lượng tốt cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và nhiều địa phương lân cận. 

UNBD tỉnh Hưng Yên cũng có những hỗ trợ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ cũng thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ công nghệ. Bên cạnh đó, cũng tích cực thực hiện các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ cũng thường xuyên tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện, năng lực. Sở cũng định hướng cho các doanh nghiệp ứng dụng kết quả vào hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Hàng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo vệ tài sản trí tuệ; tổ chức tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động kết nối, trao đổi sản phẩm công nghệ tại các chợ công nghệ và thiết bị do Bộ Khoa học và Công nghệ, địa phương trên cả nước tổ chức. Việc này mở ra thêm nhiều cơ hội để các đơn vị, cá nhân được quảng bá hình ảnh, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại, tăng vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Song, theo đánh giá khách quan, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn chưa phát triển toàn diện, đồng bộ, chưa tạo thành mạng lưới hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường. Nhất là sự liên thông giữa thị trường khoa học công nghệ của tỉnh với các địa phương trên cả nước còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp ngày càng tăng cao.

Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có quy mô vừa và nhỏ, chưa có đủ năng lực để tự chủ động tìm kiếm hay tự chủ động về các nguồn cung công nghệ. Mặt khác, các doanh nghiệp của tỉnh cũng chưa có đủ nguồn nhân lực có chuyên môn cao để tiếp nhận công nghệ mới, công nghệ cao áp dụng vào sản xuất. Do vậy, việc chủ động tham gia thị trường khoa học công nghệ của các doanh nghiệp cũng còn nhiều thiếu sót.

Ông Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cho biết: Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ. Đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở mọi lĩnh vực để tìm kiếm những giải pháp mới có giá trị ứng dụng cao.

Tăng cường tổ chức các hoạt động liên kết giữa các viện, trường đại học, các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, đẩy mạnh kết nối cung – cầu… nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng các thành tựu, phát triển thị trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN