Bất động sản khó khăn, sa thải loạt nhân sự
Thị trường địa ốc gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn gần đây, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân không chịu được sức ép từ dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại doanh nghiệp, sa thải hàng loạt nhân viên… trong khi đó, nhớm nhà đầu tư cá nhân bán tháo sản phẩm, thoát hàng để trả nợ ngân hàng. Thị trường hiện nay thuận lợi cho nhóm đầu tư có tiềm lực tài chính nhưng số này lại rất ít và họ cân nhắc rất nhiều trước biến động bất lợi của thị trường nói chung.
Nhiều ý kiến đề xuất giải pháp khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản. Trong đó, HoREA cũng đã đưa ra đề xuất: “Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nới trần tín dụng thêm khoảng 1 - 2%. Nguồn vốn này có thể ưu tiên cho các dự án nhà ở thương mại, các dự án được đầu tư bởi các doanh nghiệp có uy tín, thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế, dự án đảm bảo yếu tố pháp lý đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt".
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Hiện đã xuất hiện một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản gặp "rủi ro" bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản. Hiện các Tập đoàn, doanh nghiệp này đã phải thực hiện các biện pháp mạnh để tồn tại".
Hiện trạng các doanh nghiệp bất động sản đang ồ ạt cắt giảm nhân sự, có những Tập đoàn lớn cắt giảm đến 50% lực lượng lao động tác động đến vấn đề an sinh xã hội. Không chỉ cắt giảm nhân sự, số lượng nhân viên bất động sản còn lại cũng bị giảm giờ làm, cắt giảm lương từ 30-50%, thậm chí nợ vài tháng lương. Điều này đã tác động rất lớn đến cuộc sống người lao động.
Theo ông Châu, bất động sản đóng góp gần 11% GDP của nền kinh tế. Đặc biệt, lĩnh vực BĐS có ảnh hưởng đến khoảng 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng... Cùng với đó, nhu cầu nhân sự cho BĐS hiện đang xếp thứ 7/11 các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao, nhu cầu tuyển dụng ngành BĐS bình quân chiếm 4,15% tổng nhu cầu nhân lực/năm. Chính vì thế, khi các doanh nghiệp bất động sản lao đao sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt ngành nghề khác, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Lo ngại nhà đầu tư ngoại "thôn tính" dự án rẻ
Hiện trạng thị trường bất động sản đang vướng phải nhiều khó khăn trong đó quan trọng nhất là nguồn vốn, đây là một trong những cơ hội cũng là thách thức với thị trường bất động sản Việt Nam. Cơ hội ở chỗ, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn vốn FDI đổ mạnh vào các dự án bất động sản Việt Nam nhưng thách thức lại nằm ở việc doanh nghiệp nội địa sẽ khó có cơ hội đầu tư khi thiếu vốn.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết: "Do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản "đói vốn" phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy "rủi ro". Thậm chí, một số doanh nghiệp phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng)".
Ông Châu thẳng thắn bày tỏ lo ngại việc bán dự án với "giá hời" có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội "thôn tính" có thể làm mất đi "lợi thế" của doanh nghiệp nội địa.
Cùng với đó, theo ông Châu, hiện nay một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh: Dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới… Điều này sẽ tiếp tục khiến nguồn cung trên thị trường bất động sản tiếp tục khan hiếm, khiến giá nhà khó hạ nhiệt do nhu cầu nhà ở của người dân vẫn lớn. Ông Châu lo ngại về một cuộc khủng hoảng thiếu nguồn cung bất động sản trong 2 năm tới.
Để tháo gỡ khó khăn này, ông Châu cho rằng, trước tiên, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền.
Đồng thời, ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nới trần tín dụng thêm khoảng 1 - 2%. Cùng với đó, ông Châu cũng đề nghị tổ công tác của Chính phủ khẩn trương xem xét, tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình, làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.