Hơn 10 năm "chôn vốn", hàng trăm khách hàng dự án Hanoi Time Tower sốt sắng đòi quyền lợi

(CL&CS) - Được khởi công cách đây gần chục năm, nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án Tòa nhà hỗn hợp Văn phòng - Căn hộ chung cư cao cấp Hanoi Time Tower nằm tại ngã tư Khu đô thị Văn Phú (sát mặt đường Lê Trọng Tấn kéo dài) thuộc lô CT10 Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông vẫn đang trong tình trạng "án binh bất động" sau khi xây dựng dở dang đến tầng 9.

Nguyên nhân dự án "đắp chiếu" chục năm được Chủ đầu tư (CĐT) lý giải là do Công ty chưa thể thu xếp được nguồn vốn, khách hàng không tiếp tục nộp tiền,… nên đến nay, dự án vẫn tạm dừng thi công.

Trong khi đó, hàng trăm khách hàng góp vốn mua dự án này cách đây 12 năm thì vẫn "tiến thoái lưỡng nan", họ như "ngồi trên đống lửa" vì tiền đã góp một phần, cả chục năm nay nhà không nhận được bởi công trình dừng thi công. Nhiều người quan ngại tình trạng này không biết đến khi nào, họ có thể có nguy cơ mất vốn, mất nhà.

Vì thế, hàng trăm người đang hô hào với nhau trên các group, diễn đàn để tập hợp lại nhằm tìm giải pháp đòi quyền lợi  chính đáng của mình. Thậm chí, trong group khách hàng, nhiều người còn bày tỏ ý kiến thuê luật sư khởi kiện chủ đầu tư ra tòa.

Ở một diễn biến khác, trong tài liệu ĐHCĐ 2022 của Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR)  - CĐT dự án, đại diện Ban Kiểm soát Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) cho rằng, Công ty vẫn đang tiếp tục giải quyết vướng mắc với khách hàng tại dự án CT10-11 Văn Phú. Hiện tại, Công ty chưa tìm được nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án, chưa tìm được đối tác hợp tác kinh doanh xây dựng Dự án.

Dự án "đắp chiếu" 10 năm

Theo tìm hiểu, dự án CT10-11 Văn Phú Hà Đông có tên thương mại là Hanoi Time Tower. Đây là dự án Tòa nhà hỗn hợp Văn phòng - Căn hộ chung cư cao cấp do Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam làm Chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án được phép xây dựng 39 tầng (trong đó có 2 tầng hầm) và được khởi công xây dựng từ quý II/2010, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2013 nhưng cho đến nay, dự án này vẫn chỉ dừng lại ở tầng số 9. Như vậy, cho đến nay, dự án đã bị chậm tiến độ 10 năm.

Dự án tổ hợp chung cư cao tầng và dịch vụ thương mại CT10-11 Văn Phú có tên thương mại là chung cư Hanoi Time Tower

Theo giới thiệu, dự án nằm trên khu đất rộng 7.023 m2, nằm tại vị trí đắc địa với 2 mặt tiền. Tổng diện tích sàn xây dựng là 111.126 m2. Công trình bao gồm tổ hợp 2 tòa tháp cao 39 tầng và 2 tầng hầm với số căn hộ cao cấp là 637. Tổng mức đầu tư của Chung cư Hanoi Time Towers là 1.788 tỷ đồng. Trong đó, tháp CT10 đã thi công đến tầng 9, đối với tháp CT11 đã thi công đến tầng 6, tổng chi phí dở dang của toàn dự án đến cuối năm 2019 là 692 tỷ đồng.

Tầng 1 và tầng 2 của dự án đã được quây gọn lại và sử dụng vào các mục đích khác nhau. Phần còn lại của dự án bị bỏ hoang và sắt thép tiếp tục bị han gỉ. Các vận thăng của công trình vẫn giữ nguyên vị trí, phơi mưa nắng cùng công trình.

Năm 2020, PVR cho biết, muốn tập trung giải quyết và hoàn thiện toàn bộ pháp lý sai sót, vướng mắc, tồn tại của dự án đã thi công trước đây không đúng với quy hoạch được duyệt. Đồng thời, tiếp xúc với khách hàng đưa ra nhiều phương án tháo gỡ khó khăn nhằm lấy lại lòng tin của khách hàng để làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án.

Tuy nhiên, hầu hết khách hàng đều có nguyện vọng xin rút vốn và thanh lý hợp đồng, kiên quyết không nộp tiền do dự án đã quá chậm tiến độ, do vậy việc tiếp tục triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn.

Còn đối với công tác xử lý công nợ và quyết toán với các nhà thầu cũ tại dự án, PVR tổ chức rất nhiều cuộc họp mời các nhà thầu để quyết toán các gói thầu. Tuy nhiên hầu hết các nhà thầu và Công ty không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề quyết toán do tồn tại quá nhiều vấn đề trong thời gian thi công, thanh toán không được xử lý dứt điểm.

Đến năm 2022, dự án vẫn đang trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”, trong biên bản họp ĐHĐCĐ năm 2022, PVR nhận định, các dự án của Công ty vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn mặc dù HĐQT, Ban Giá đốc đã có nhiều cố gắng. Tại dự án CT10-11 Văn Phú – Hà Đồng, dự án chưa thể triển khai lại do một số nguyên nhân sau: Công ty chưa thể thu xếp được nguồn vốn, khách hàng không tiếp tục nộp tiền,… nên đến nay, dự án vẫn tạm dừng thi công.

Tình hình thực hiện các dự án Đầu tư

Ngoài dự án CT10-11 Văn Phú, PVR cũng đang dừng thi công dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên do ngày 20/7/2019, Công ty có nhận được văn bản của Sở KH-ĐT TP hà Nội về việc chấm dứt hoạt động tại dự án này nhưng không đính kèm Quyết định. Công ty đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Sở KH-ĐT, UBND TP Hà Nội gửi lại cho Công ty quyết định trên nhưng đến nay Công ty vẫn chưa nhận được.

Được biết, PVR làm chủ đầu tư hai dự án thì cả hai dự án đều đang tạm dừng thi công do vướng mắc pháp lý và chưa huy động được vốn để triển khai.

Kinh doanh thua lỗ nhiều năm, năng lực CĐT yếu kém

Theo báo cáo tài chính năm 2021, mặc dù ghi nhận lợi nhuận năm 2021 đạt 1.7 tỷ đồng (2020 ghi nhận lỗ gần 6 tỷ đồng) đã thoát lỗ trong nhiều năm qua nhưng dòng tiền kinh doanh âm khiến PVR đối mặt với áp lực về dòng tiền khi con số so với mức lợi nhuận èo uột là không nhỏ, âm tới 3.5 tỷ đồng.

Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi với doanh thu dự kiến thu về5.5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 800 triệu đồng. Công ty chỉ tập trung thu hồi các khoản đầu tư tài chính để có nguồn trang trải chi phí hoạt động Công ty và kiếm cơ hội đầu tư mới.

Về doanh thu năm 2021, Công ty vẫn đạt 7.1 tỷ đồng, thu về lợi nhuận gộp về bán hàng đạt 1.3 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.9 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính âm 2.1 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.7 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 (Nguồn: PVR)

Đáng chú ý, để duy trì hoạt động kinh doanh, PVR đã gia tăng vay của chính cổ đồng trong công ty với số tiền lên tới 25.3 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay lớn nhất của bà Bùi Thị Thu Thủy hơn 20 tỷ đồng, Bà Trần Thị Thắm – Cổ đông lớn cho vay hơn 3 tỷ đồng và ông Bùi Văn Phú – Chủ tịch HĐQT cho vay 2.2 tỷ đồng, Bà Trần Thị Thắm.

Các khoản vay tài chính với các bên liên quan

Được biết, trong nhiều năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của PVR luôn thua lỗ do đình trệ 2 dự án trọng điểm của Công ty. Từ năm 2012 đến nay (ngoại trừ năm 2014) PVR luôn chìm trong thua lỗ, ghi nhận lỗ 7 năm, nâng lỗ luỹ kế đến cuối năm 2019 lên 72 tỷ đồng.

Năm 2019, PVR ghi nhận lỗ hơn 800 tỷ đồng do Công ty phải hoàn nhập dự phòng đối với khoản mục đầu tư tài chính tại CTCP Đầu tư Thương mại Dầu khí - Idico (PXL) và doanh thu cho thuê máy móc thiết bị xây dựng. Việc không hoàn thành các chỉ tiêu đưa ra chủ yếu do Công ty trong giai đoạn đầu tư các dự án.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính kiểm toán 2019 của PVR Hà Nội, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến do Công ty chưa thực hiện xem xét trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào CTCP Đầu tư Phát triển An Bình với giá trị 205 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2019, PVR chưa thể đánh giá một cách chính xác hiệu quả đầu tư của dự án CT10-11 Văn Phú do các thông số tính toán theo thị trường tại thời điểm hiện tại chưa đủ và có thể còn biến động. Theo đó, PVR chưa xác định và trích lập bất cứ khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho nào đối với chi phí dở dang của dự án này là 692 tỷ đồng.