Theo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng, đầu năm 2024, tỉnh đã công bố thêm 10 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Tính đến hiện tại, Sóc Trăng có 227 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao và 205 sản phẩm đạt 3 sao.
UBND huyện Châu Thành tổ chức khai trương điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP đầu tiên trên địa bàn huyện (Ảnh NTM Sóc Trăng)
Từ việc triển khai Chương trình OCOP, các địa phương đã quy hoạch được vùng nguyên liệu đặc sản, hình thành nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, tạo thương hiệu cho địa phương, như: trà mãng cầu Cẩm Thiều Ngã Năm, hành tím Vĩnh Châu, sữa tươi thanh trùng Ba Xuyên, các sản bưởi năm roi, bưởi da xanh, vú sữa tím của Kế Sách, mứt mận Ngọc Hạnh huyện Mỹ Tú, khô trâu Sáu Sành của Thạnh Trị, mứt củ hành tím Cô Mới, sản phẩm Gạo ST25 (Ông Cua)...
Để phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn trong thời gian tới, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo đó, kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể như: phấn đấu đến cuối năm 2024, Sóc Trăng có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; hỗ trợ 3 - 4 sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia dự thi đánh giá xếp hạng 5 sao; củng cố và nâng hạng ít nhất 15% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng...
Thực hiện kế hoạch này, các địa phương đã tích cực chỉ đạo các phòng ban chuyên môn kết hợp với các doanh nghiệp, các HTX, các hộ gia đình cá nhân triển khai xây dựng phát triển các sản phẩm nông sản, các sản phẩm nông thôn đặc trưng của từng xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí về sản phẩm OCOP, từng bước hoàn chỉnh các nội dung của từng tiêu chí, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP.
Ông Trương Quốc Điền, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Châu Thành có 33 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, 18 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao). Nhiều sản phẩm OCOP có bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt và xây dựng được uy tín trên thị trường. Dự kiến đến cuối năm 2024 huyện sẽ có thêm từ 7-10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao trở lên.
Sau khi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm được tạo điều kiện xây dựng, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ, đặc biệt giải quyết nguồn nguyên liệu đầu vào tại địa phương. Bên cạnh đó, địa phương còn tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP...
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sóc Trăng luôn xem việc phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, Chương trình OCOP được ví như hạt nhân góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, giúp cho đời sống người dân địa phương cải thiện, ổn định.
Đối với các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đầu ra sản phẩm tốt hơn, được các tổ chức thương mại ưu tiên đặt hàng tiêu thụ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, thời gian qua, Sóc Trăng tích cực tăng cường quảng bá, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP của địa phương vươn xa hơn.