Hậu COVID-19, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn?

(CL&CS) - Mặc dù đang trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 nhưng giá bất động sản vẫn còn tăng cao, khiến thanh khoản thấp, ít giao dịch, thị trường lao đao…

Từ cuối năm 2018 đến nay, nguồn cung trên thị trường bất động sản có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng theo chiều hướng năm sau nguồn cung ít hơn năm trước. Cùng với đó là thị trường bất động sản tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách khi bị đại dịch COVID-19 hoành hành.

Các chuyên gia cảnh báo, trong thời gian tới, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi tham gia thị trường bất động sản

Theo ghi nhận, ngoài việc khan hiếm nguồn hàng và dự án mới, thị trường bất động sản còn bị tác động từ dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, đóng cửa. Tuy nhiên giá nhà không hề giảm mà còn tăng cao, khiến không ít môi giới bất động sản lâm vào cảnh lao đao, thậm chí phải bỏ nghề chuyển sang ngành nghề khác hoặc rời thành phố về quê do không có giao dịch. Liệu rằng, hậu COVID-19, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn?

Với tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện nay, Ths Nguyễn Phạm Hữu Hậu cho rằng, hiện nhiều sàn giao dịch bất động sản phải tạm ngừng hoạt động và bắt đầu rơi vào trạng thái "ngủ Đông". Điều này đã "đẩy" nhiều nhân viên môi giới phải về quê nhà hoặc số khác sẽ tìm một công việc "tạm thời" chờ qua dịch ứng tuyển vào doanh nghiệp khác. Chỉ còn ít sàn giao dịch trực thuộc các chủ đầu tư hoặc các sàn giao dịch có tiềm lực tài chính mạnh và nguồn hàng phân phối ổn định vẫn còn duy trì hoạt động kinh doanh thông qua kênh bán hàng online, giao dịch trực tuyến.

Trong báo cáo quý 2/2021 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam mới đây cho thấy, bất chấp diễn biến dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông trước đây đã đẩy nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải chịu hậu quả. Đã xuất hiện hiện tượng bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường.

Mặc dù đã có những dấu hiệu giảm nhiệt sau khi Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình thị trường bất động sản nhưng theo các chuyên gia, trong thời gian tới, hiện tượng sốt đất rất có thể sẽ tiếp tục diễn ra trên thị trường bất động sản.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam, câu chuyện sốt đất không phải mới mà nó luôn diễn ra, thị trường đã trải qua không ít lần trong quá khứ. Việc sốt đất vốn dựa trên việc giá đất bị đẩy lên cao hơn với mặt bằng giá thực tế tại thời điểm giao dịch trong một thời gian ngắn, tần suất mua đi bán lại diễn ra liên tục, đẩy giá lên từng ngày, thậm chí từng giờ. Hiện tượng này đã diễn ra nhiều lần trong quá khứ, tương lai sẽ có thể diễn ra nữa.

Ông Trần Khánh Quang, Giám đốc CTCP Đầt tư Bất động sản Việt An Hòa cho rằng, trong các cơn sốt đất vừa qua thực ra là “cuộc chơi” của những nhà đầu tư lớn. Họ luôn đi trước và các nhà đầu tư lớn không những có tiền mà còn có luôn công nghệ làm sốt, những thứ mà bình thường người dân không thể có khả năng đó. Chẳng hạn như trường hợp sân bay Hớn Quản tại Bình Phước. Chỉ cần một sân bay nho nhỏ có thông tin mà chủ mấy trăm chiếc xe hơi kéo về một khu vực tại Bình Phước, mua đi bán lại liên tục, tạo giao dịch ảo.

Trước những phân tích về khả năng có thể diễn ra nhiều đợt sốt đất trong thời gian tới, nhất là thời điểm sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động đầu tư, sản xuất quay lại, các chuyên gia đều chia sẻ quan điểm rằng các nhà đầu tư mới tham gia thị trường và cả những nhà đầu tư tay ngang cần hết sức tỉnh táo để tránh bị động và mất tiền.

Lý giải về nguyên nhân của không ít đợt sốt đất thời gian qua, Giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, xuất phát từ việc sốt đất là một sự bất thường của thị trường tại một số khu vực, người được hưởng lợi nhiều là các nhà đầu cơ có tiềm lực tài chính đủ mạnh để thu gom hàng, có khả năng làm giá, kiểm soát được các giao dịch và thường họ sẽ xuất hiện ở giai đoạn đầu các cơn sốt đất. Thậm chí họ chính là “đạo diễn” của cơn sốt đất đó và bản thân họ sẽ là người quyết định khi nào bước vào và rút ra, lúc họ rút ra là họ đã thắng, người chịu thiệt là các nhà đầu tư ăn theo, vào tại nhịp sau của thị trường, mua giá cao nhưng khi bán thì đã qua giai đoạn cao trào, không bán được khi giá giảm liên tục.

Cũng theo Giám đốc CBRE Việt Nam, trong các đợt sốt đất vừa qua, có thể thấy tỷ lệ người thua thường nhiều hơn đáng kể so với số ít “tay to” đã chủ động rút chân kịp bởi xét ở góc độ nào đó, họ là người làm chủ cuộc chơi. Đối với các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, nguy cơ còn cao hơn nhiều lần. Vì vậy, trong thời gian tới, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi tham gia thị trường, nhất là nhà đầu tư mới cần có đầy đủ thông tin, kiến thức để tham gia cuộc chơi mới có thể xác định được thời điểm tham gia và rút khỏi thị trường.

TIN LIÊN QUAN