Gói kích cầu nhà ở “cứu vãn” thị trường bất động sản?

(CL&CS)-Giai đoạn 2012-2013, Nhà nước đã “tung” ra gói phát triển nhà ở xã hội để “cứu” khi thị trường bất sản rơi vào khủng hoảng. Nhiều người cho rằng hiện cũng là thời điểm phù hợp để tung gói hỗ trợ tương tự.

Có giải pháp nhưng khó thực hiện

Chương trình phát triển nhà ở xã hội là cách để giải quyết nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội nhưng trên thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn. Từ các vướng mắc về cơ chế, chính sách cho đến nguồn vốn ít ỏi.

Đầu năm 2021, Quốc hội đã phê chuẩn gói tài chính 40.000 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và mua. Tuy nhiên các chủ đầu tư lại khá chật vật để có thể tiếp cận nguồn vốn này.

Theo Khoản 2, Điều 33 - Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã quy định, trong thời gian từ năm 2015 – 2020 Ngân hàng Chính sách nhà ở xã hội chưa thể thực hiện cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, thậm chí là dự án nhà ở xã hội cho thuê. Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay nhà ở xã hội nhưng cưa được tái cấp vốn hoặc cấp bù ngân sách nhà nước nên vẫn chưa có nguồn vốn cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi.

Ngoài ra, những ai được hưởng chính sách nhà ở xã hội cũng không thể vay được vốn tín dụng ưu đãi. Bởi Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra quy định chỉ được vay vốn tín dụng ưu đãi khi xây, sửa nhà ở không được vay để mua hay thuê nhà ở xã hội.

Mặt khác, lợi nhuận thu được từ việc xây dựng nhà ở xã hội thấp hơn rất nhiều so với nhà ở thương mại, thời gian hoàn thiện khá lâu từ bước hoàn tất thủ tục đến bước hoàn thành dự án ít nhất cũng phải mất hơn 5 năm.

Mặc dù các doanh nghiệp BĐS đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội cho thuê sẽ được giảm 70% thuế giá trị gia tăng, tuy nhiên về mặt pháp luật chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Hơn nữa nếu nộp thuế chậm còn phải bị phạt vì thế việc hưởng ưu đãi là diều khó thể mơ đến. Khiến nhiều doanh nghiệp BĐS không “mặn mà” né tránh các dự án nhà ở xã hội.

Nhanh chóng giải quyết khó khăn

Thị trường BĐS hiện đang vướng phải khá nhiều điểm khó khăn, những điểm quan trọng cần tháo gỡ lúc này chính là lượng hàng tồn kho khá nhiều, dư nguồn cung nhà ở cao cấp hạng sang, khan hiếm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà của người dân.

Tương tự với tình trạng khó khăn trước đó, vào năm 2013 Chính phủ đã ban hành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, cho phép chia nhỏ căn hộ lớn, nhà các dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội. Việc này đã giải quyết các vấn đề khó khăn và góp phần vực dậy thị trường BĐS.

Nhiều đánh giá cho rằng, nên rút kinh nghiệm từ đợt khủng hoảng 2012 – 2013, Chính phủ nên nhanh chóng tung ra gói kích cầu nhà ở xã hội để gỡ rối những vướng mắt, khó khăn mà thị trường BĐS đang mắc phải. Đưa BĐS trở lại đường đua, kiểm soát được các vấn đề kinh tế như lạm phát, suy thoái.

Có thể thấy tốc độ phát triển các dự án nhà ở thương mại ngày càng nhiều chủ yếu dành cho những người có thu nhập cao hoặc những người có ý định đầu tư. Trên thực tế số lượng người dân có thu nhập thấp và trung bình lại có nhu cầu mua nhà cao hơn nhưng nguồn cung các dự án nhà ở giá rẻ lại khan hiếm.

Tuy nguồn cung thiếu hụt nhưng các dự án nhà ở xã hội lại không “được lòng” các chủ đầu tư. Số lượng các dự án ít ỏi bởi phí đầu tư cần một nguồn vốn khá lớn và lâu dài nhưng lợi thuận thu được thì không có bao nhiêu, thời gian hồi vốn lâu. Ngoài ra ngân sách hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội quá ít.

Do đó, nếu gói kích cầu nhà ở được triển khai sẽ là giải pháp giúp giải quyết các vấn đề nan giải của nhà ở xã hội hiện tại. Khi nguồn cung nhà ở xã hội được mở rộng giải quyết được nhu cầu nhà ở, góp phần giảm giá nhà, bình ổn lại thị trường BĐS.

Việc triển khai gói kích cầu hỗ trợ cho thị trường BĐS là điều câp thiết, bởi lĩnh vực BĐS ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề, BĐS chững lại cũng tác động đến sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ sẽ là yếu tố quan trọng giúp người dân có mức thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà, ổn định an cư cho người dân.