Giá vàng lên "đỉnh" 9 năm, còn cách mức cao kỷ lục mọi thời đại bao xa?

(CL&CS) - Giá vàng thế giới tại Mỹ đêm qua đã chính thức vượt mốc 1.800 USD/ounce và lên đỉnh 9 năm nhưng vẫn còn cách xa mức cao kỷ lục mọi thời đại.

Lên "đỉnh" 9 năm

Thị trường vàng thế giới tiếp tục tỏ ra "nóng" hơn thị trường vàng trong nước. Đêm qua, tại thị trường Mỹ, giá vàng tạo nên cơn sốt nho nhỏ khi chính thức vượt mốc 1.800 USD/ounce và lên "đỉnh" 9 năm. Điều đáng nói, kim loại quý nóng hầm hập bất chấp chứng khoán Mỹ vẫn duy trì được sắc xanh.

Cụ thể, bất chấp chứng khoán châu Âu tràn ngập sắc đỏ với nhiều bi quan, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều đi lên. Chốt phiên, Dow Jones tăng 177,10 điểm, tương đương 0,68% lên 26.067,28 điểm. S&P 500 tăng 24,62 điểm, tương đương 0,78% lên 3.169,94 điểm. NASDAQ tăng 148,61 điểm, tương đương 1,44% lên 10.492,5 điểm.

Trong bối cảnh dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán, giá vàng vẫn vọt lên 1.811 USD/ounce, dễ dàng vượt mốc 1.800 USD/ounce. Đáng kể, có thời điểm, kim loại quý còn lên tới 1.829,8 USD/ounce, lập kỷ lục của 9 năm. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 8 tăng 13 USD/ounce lên 1.822,8 USD/ounce.

Mặc dù đã vượt mốc 1.800 USD/ounce nhưng giá vàng mới chỉ lập đỉnh 9 năm và còn cách xa mức cao kỷ lục mọi thời đại. 

Hiện tại, vị thế nơi trú ẩn an toàn của kim loại quý đang được đánh giá cao khi mà đại dịch Covid-19 không những chưa được kiểm soát mà ngày càng có diễn biến phức tạp hơn. Đại dịch Covid-19 khiến các ngân hàng trung ương phải bơm tiền kích thích nền kinh tế cũng hỗ trợ giá vàng.

Có thể thấy, thị trường kim loại quý đang "miễn nhiễm" với động thái tích cực ở thị trường chứng khoán. Đà tăng cổ phiếu tại Mỹ, Trung Quốc không thể kéo lùi đà đi lên của vàng và bạc.

David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures phân tích các yếu tố chính hỗ trợ cho đà đi lên của vàng là những kích thích tài chính và tiền tệ, cùng với dòng tiền vào các quỹ giao dịch. Sự thay đổi liên tục của thanh khoản vào thị trường tiếp tục là yếu tố tích cực nổi bật nhất, vì đồng đô la đang suy yếu.

Khi giá vàng thế giới lập đỉnh cao 9 năm, giá vàng SJC 9/7 được kỳ vọng sẽ "theo chân" và vượt xa mốc 50 triệu đồng/lượng. Hôm qua, giá vàng SJC đồng loạt chinh phục thành công mức cao kỷ lục này.

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC đóng cửa ngày 8/7 ở mức: 50,05 triệu đồng/lượng - 50,23 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Doji và SJC lần lượt giao dịch ở mức: 50,03 triệu đồng/lượng - 50,23 triệu đồng/lượng và 49,95 triệu đồng/lượng - 50,35 triệu đồng/lượng.

Còn cách mức kỷ lục mọi thời đại bao xa?

Mặc dù đã vượt mốc 1.800 USD/ounce nhưng giá vàng mới chỉ lập đỉnh 9 năm và còn cách xa mức cao kỷ lục mọi thời đại. Vào năm 2011, khi khủng hoảng kinh tế lan rộng, kim loại quý này đã vượt qua mốc 1.900 USD/ounce để chạm "đỉnh" 1.920 USD/ounce.

Giá vàng leo lên mức cao nhất lịch sử là kết quả trực tiếp của các hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Vào tháng 11/2009, FED đã phản ứng với suy thoái kinh tế được tạo ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng cách bắt đầu nới lỏng định lượng (gọi là QE1).

Để kích thích nền kinh tế, FED tiếp tục một chương trình bổ sung hơn 2 nghìn tỷ đô la vào nguồn cung tiền và tại thời điểm đó là sự mở rộng lớn nhất của bất kỳ chương trình kích thích kinh tế nào trong lịch sử. Kết quả là bảng cân đối kế toán của FED đã tăng gấp đôi từ 2.106 nghìn tỷ vào tháng 11/2008 lên 4.486 nghìn tỷ vào tháng 10/2014.

Ở mức 1.920 USD/ounce, tính theo tỷ giá hiện tại, giá vàng SJC quy đổi tương đương 54 triệu đồng/lượng. Như vậy, để đạt được mức cao kỷ lục này, giá vàng thế giới phải tăng 109 USD/ounce, tương đương 6,1%, giá vàng SJC phải tăng 3,8 triệu đồng/lượng, tương đương 7,6%. 

Hiện tại, nền kinh tế thế giới không tiêu cực như năm 2011. Tuy nhiên, dư địa tăng thêm của kim loại quý không phải không có, đặc biệt trong bối cảnh giới đầu tư đang đổ xô vào vàng. 

Theo thống kê của Bloomberg, lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF đảm bảo bằng vàng đã lên tới gần 3.235 tấn, tăng thêm gần 656 tấn so với đầu năm. Mức tăng này cao hơn mức tăng kỷ lục ghi nhận trong cả năm 2009.

Ngân Hà

Nên đọc