Hiện nay, giá bất động sản ngày càng vượt xa thu nhập của phần lớn người lao động. Mơ ước được sở hữu tổ ấm riêng của nhiều gia đình trẻ ngày càng trở nên xa vời. Vậy tại sao giá nhà lại ngày càng tăng vượt quá sức mua của nhiều người như vậy? Đó là bởi mức tăng thu nhập không theo kịp mức tăng giá của bất động sản.
Giá nhà bỏ xa thu nhập của người dân
Thị trường bất động sản hiện nay đang mất cân bằng “cung - cầu”, “lệch pha” về phân khúc nhà ở thể hiện rất rõ trong 2 năm gần đây, khi loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021, trong khi đó 2 loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị là nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội.
Vì “thiếu cung” trong khi tổng “cầu” rất lớn dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở. Biểu hiện rõ nhất qua chỉ số giá nhà ở nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6 - 7 lần thu nhập.
Chính vì vậy, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và thị trường bất động sản cũng chưa tương xứng với tiềm năng, thể hiện rất rõ qua nguồn thu tiền sử dụng đất tại TP.HCM trong giai đoạn 2016 - 2021 là 82.932 tỉ đồng chỉ chiếm 5,9% tổng thu ngân sách, mà về tiềm năng thì nguồn thu này đạt trên dưới 10% mới phù hợp.
Càng để dành tiền, giá nhà càng xa tầm với
“Khi nào và có bao nhiêu tiền sẽ mua nhà?” - chính là câu hỏi lớn nhất của các cặp vợ chồng trẻ. Càng tiết kiệm thì căn hộ trong mơ càng xa tầm với là tình cảnh trớ trêu nhiều gia đình gặp phải. Bởi thu nhập của một nhân viên làm công ăn lương chỉ tăng từ hai nguồn trong khi bất động sản có bốn cách để tăng giá.
Cụ thể, đối với những người chỉ làm công ăn lương, không có thu nhập ngoài, hàng năm mức lương sẽ tăng theo trượt giá và năng lực cá nhân. Lương tăng do trượt giá thực tế thường thấp hơn trượt giá tiêu dùng. Còn lương theo năng lực không thể tăng đột biến như giá bất động sản, bên cạnh đó, việc tăng lương theo năng lực còn bị giới hạn bởi số lượng vị trí cần thiết. Và rõ ràng, việc này không diễn ra hàng năm.
Trong khi đó, giá bất động sản tăng từ bốn nguồn: Trượt giá tiêu dùng tự nhiên, tăng giá trị thực (chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi hạ tầng xung quanh, hoàn thiện pháp lý, khu vực được “thăng cấp” từ huyện lên quận,…), nhu cầu thị trường cao và bị làm giá (chủ yếu từ chủ đầu tư, sale, môi giới và người lướt sóng).
Với những yếu tố trên, mức tăng thu nhập của người lao động hoàn toàn thua mức tăng bất động sản. Thời gian càng dài, khoảng cách này càng tăng thêm. Đây chính là lý do khi tích lũy đủ số tiền cần thiết giá nhà đã tăng rất xa.
Vợ chồng chị Tú Anh vốn là người ở tỉnh lẻ vào TP.HCM làm việc, sinh sống được hơn 5 năm nay. Với ý định định cư lâu dài ở đây, vợ chồng chị đã tích cóp, tiết kiệm chi tiêu tối đa để có thể mua được căn chung cư.
“Hai vợ chồng cũng đã tích cóp được 1.5 tỷ đồng rồi nhưng vẫn không tìm được căn chung cư nào vì giá bán hiện quá cao. Nếu vay ngân hàng thì sợ không đủ sức trả tiền hàng tháng vì còn chi phí nuôi con nhỏ ăn học. Cứ như thế này, không biết đến bao giờ mới có thể mua được nhà ở thành phố nữa.”, chị Tú Anh chia sẻ.
Giải pháp nào để thỏa mãn ước mơ an cư?
Theo các chuyên gia cho rằng, để kéo giảm giá nhà ở trên thị trường bất động sản thì phải có giải pháp hiệu quả làm tăng nguồn cung nhà ở. Nguyên nhân của việc sụt giảm nguồn cung là do quá trình cấp phép cho các dự án mới chậm và quỹ đất hạn chế làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm, mặt bằng giá bất động sản leo thang.
Vậy nên, để làm tăng nguồn cung dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở từ bình dân đến cao cấp cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội trước hết phải rà soát để hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển thị trường vốn, bao gồm thị trường tiền tệ - tín dụng, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đi đôi với xây dựng chính sách thuế tài sản. Cùng với đó cần phải thay đổi cách tính tiền sử dụng đất hiện nay bằng việc ban hành mới sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đất ở.
Về phía người lao động, để tăng cơ hội sở hữu nhà, mọi người cần chủ động hơn trong kế hoạch tài chính và nỗ lực tăng thêm thu nhập, hạn chế chi tiêu tiêu sản. Quan trọng nhất, thay vì “đủ tiền mới mua nhà” thì nên “chốt giá hiện tại, trả góp tương lai”. Có như vậy, ước mơ sở hữu tổ ấm riêng của nhiều gia đình mới có cơ hội thành hiện thực.