Gắn bó cả thập kỷ với ACV
Cuối tuần trước, cộng đồng mạng xôn xao với thông tin ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV đã ký quyết định bổ nhiệm gần 100 lãnh đạo. Điều đáng nói, quyết định được ký 1 tháng trước khi ông Hùng về hưu.
Ông Lê Mạnh Hùng là người có nhiều năm gắn bó với ACV. Từ tháng 4/2006 - 10/2008, ông Hùng nắm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Cụm Cảng hàng không Miền Bắc. Từ 11/2008 - 3/2010, ông là Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc. Từ 4/2010 - 01/2012, ông nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc
Khi Tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc, Miền Nam và Miền Trung hợp nhất thành ACV, ông Hùng trở thành Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ACV. Tới nay, sau khi ACV cổ phần hóa và hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần, ông Hùng vẫn duy trì vị trí này.
Ông Lê Mạnh Hùng gắn liền với nhiều thăng trầm của ACV. |
Tại ACV, ông Hùng và dàn lãnh đạo ACV được hưởng mức lương bạc tỷ mỗi năm. Điều đáng nói, trong quý 1/2018, quý trước khi ông Hùng nghỉ hưu, lương dàn lãnh đạo ACV được điều chỉnh tăng gần gấp đôi. ACV lý giải đây là mức lương phù hợp, đúng theo quy định ACV có lý do để trả lương cao khi lợi nhuận ACV tăng trưởng rất tốt.
Trong suốt “nhiệm kỳ” của ông Lê Mạnh Hùng, lợi nhuận sau thuế ACV bứt phá, tăng 2.612 tỷ đồng, tương đương 173% lên 4.122 tỷ đồng. Trong năm 2018, tình hình kinh doanh của ACV hứa hẹn sẽ có thêm bứt phá mới khi lợi nhuận sau thuế quý 1/2018 tăng rất mạnh so với quý 1/2017.
Như vậy, có thể thấy, trong suốt hơn một thập kỷ qua, dù ACV đã trải qua nhiều lần đổi tên nhưng ông Lê Mạnh Hùng vẫn là người gắn bó với ACV. Vì vậy, những thành tựu và cả khuyết điểm của ACV ít nhiều đều có sự góp mặt của ông Hùng.
Một trong những thành tựu lớn nhất mà ông Hùng mang đến cho ACV là lợi nhuận Tổng công ty tăng rất mạnh. Tuy nhiên, những con số tích cực này không “giấu” được sự thật là ACV phải gánh chịu nhiều hoạt động thua lỗ nặng nề. Điều đáng nói, có những khoản thua lỗ lặp lại hết năm này qua năm khác. Đó là thua lỗ vì tỷ giá và hoạt động đầu tư.
Lỗ vì tỷ giá và đầu tư
Kể từ khi ACV công bố báo cáo tài chính (năm 2012), ACV chưa bao giờ thua lỗ. Thế nhưng, nếu xét từng mảng, có 2 lĩnh vực, ACV thua lỗ triền miên. Đó là tỷ giá và hoạt động đầu tư.
Hồi năm 2011, ACV có khoản lỗ tỷ giá lên tới 943,5 tỷ đồng chưa được thực hiện nhưng trong năm 2012, ACV mới chỉ “giải quyết” được 23,8 tỷ đồng khoản lỗ này khiến lỗ chưa được thực hiện của ACV vẫn là con số cao ngất ngưởng lên tới 667 tỷ đồng.
Năm 2013, ACV đạt “đỉnh” lỗ tỷ giá khi lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện vọt lên 1.681 tỷ đồng. Sang năm 2014, chỉ tiêu này giảm xuống còn 1.448 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang 2015, ACV bất ngờ báo lãi tỷ giá lên đến 666 tỷ đồng.
2016 là năm quan trọng của ACV khi Tổng công ty này chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần từ 1/4. Vì vậy, trong 3 quý cuối năm 2016, ACV ghi nhận khoản lỗ tỷ giá khiêm tốn hơn các năm trước. Đó là 237 tỷ đồng.
Sang năm 2017, khoản lỗ này được ACV đưa vào chi phí tài chính. Chỉ tiêu này được ghi nhận 490 tỷ đồng. Sang quý 1/2018, lỗ tỷ giá tại ACV lại vọt lên 930 tỷ đồng, chiếm tới 96,5% tổng chi phí tài chính.
Hoạt động đầu tư cũng gây ra các khoản thua lỗ triền miên cho ACV. Trong giai đoạn 2011-2017, hoạt động đầu tư lần lượt mang về cho ACV các khoản lỗ 1.012 tỷ đồng, 1.086 tỷ đồng, 1002 tỷ đồng, 952 tỷ đồng, 1.082 tỷ đồng, 865 tỷ đồng, 1.194 tỷ đồng. Tới quý 1/2018, chỉ tiêu này giảm xuống mức thấp nhất chỉ còn 420 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 1/2018, ACV rót 2.584 tỷ đồng vào công ty liên doanh, liên kết và chi 184,8 tỷ đồng và các đơn vị khác. ACV không ghi rõ tình trạng của các khoản đầu tư nên không rõ khoản đầu tư nào khiến ACV phải thua lỗ tới cả trăm, thậm chí ngàn tỷ đồng.
Bảo Linh