ông Trầm Bê. |
Sinh ra và lớn lên ở Trà Vinh trong một gia đình khó khăn, dù không am tường chữ nghĩa nhưng ông Trầm Bê đã bắt đầu dấn thân vào con đường kinh doanh và tạo nên một đế chế vững mạnh trong nhiều lĩnh vực. Sau khi đạt được không ít thành công, vào năm 2004, đại gia gỗ và bất động sản Trầm Bê dù không có nghề ngân hàng nhưng nhờ có tiền đã trở thành thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Bỏ bạn, vì mê “con” của bạn
Vào thời điểm đó, ông Trầm Bê và ông Đặng Văn Thành, hai doanh nhân gốc Hoa này là bạn bè thân thiết. Ông Thành là người đã hướng dẫn và hỗ trợ ông Bê bước vào ngành ngân hàng. “Cái bắt tay lớn nhất của cả hai vị doanh nhân này chính là thời điểm ông Trầm Bê mời ông Thành làm người giảng dạy cho cán bộ nhân viên Southern Bank lúc thời điểm những năm 2004, 2005. Tình bạn giữa họ từng lớn lắm, ăn uống cùng nhau, kinh doanh cùng nhau…” - Một nguồn tin thân cận với cả hai doanh nhân trên tiết lộ.
Khi ông Trầm Bê đến với Southern Bank cũng là thời kỳ “hoàng kim” của ngân hàng này, mỗi năm ghi nhận mức lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng. Năm 2007, SouthernBank đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỷ đồng. Cùng với đó, ông Trầm Bê nhanh chóng gia tăng quyền lực của mình tại ngân hàng này bằng cách cho các con nắm giữ những vị trí lãnh đạo và thâu tóm phần lớn cổ phần, mặc cho cổ đông dài cổ ngóng chờ cổ tức.
ông Đặng Văn Thành |
Trung tâm Đào tạo của Ngân hàng Phương Nam - Nơi mà ông Trầm Bê đã mời ông Đặng Văn Thành đào tạo cho nhân viên ngân hàng minh (Ảnh chụp năm 2006). |
Vào tháng 7/2011 trên thị trường ồn ào những đồn đoán xung quanh việc Ngân hàng Cổ phần Sacombank (mã chứng khoán: STB) bị một nhóm nhà đầu tư nội thâu tóm. Và từ năm 2011-2014, một cuộc rượt đuổi tranh giành quyền kiểm soát đã diễn ra giữa 2 bên: Thâu tóm là Trầm Bê và phòng thủ là ông Đặng Văn Thành - người đã dồn sức góp công của xây dựng lớn mạnh Ngân hàng Sacombank. Theo nguồn tin thân cận, thời điểm đó ông Trầm Bê đã bộc lộ tham vọng với Sacombank. “Tôi mê Sacombank, Sacombank như hoa hậu vậy” - lời của ông Trầm Bê.
Vào thời hoàng kim, năm nào Sacombank cũng thuộc nhóm “câu lạc bộ lợi nhuận ngàn tỷ”. Sacombank đã được ông Đặng Văn Thành xây dựng với một nền tảng vững chắc. Rủi thay, vòng xoáy thâu tóm đã khiến “cha đẻ” của Sacombank đã phải từ bỏ “đứa con” mình hết lòng nuôi nấng bấy lâu.
Sau nhiều chiêu thức, thương vụ sát nhập hoàn tất, chân dung người cầm đầu “ván cờ” thâu tóm Sacombank mới lộ diện, đó chính là “nhạc trưởng” Trầm Bê, người bạn thân thiết ngày nào của ông Đặng Văn Thành. Đây cũng là lúc tình bạn thân thiết nhiều năm giữa hai doanh nhân gốc Hoa này thực sự chấm dứt.
Và sau đó, phải đến ngày 13/8/2015, Ngân hàng Nhà nước chính thức đồng ý cho 2 ngân hàng Southern Bank và Sacombank sáp nhập. “Cuộc hôn nhân” không môn đăng hộ đối này khiến báo chí ngày ấy tốn vô khối giấy mực.
Ông Trầm Bê và ông Đặng Văn Thành từng là bạn bè thân thiết nhưng vì Sacombank mà tình bạn này đã chấm dứt. |
Thời vận xoay chuyển
Trong giai đoạn đầy biến động 2012, ông Đặng Văn Thành cùng tập thể lãnh đạo chủ chốt phải rời Sacombank trước sự tấn công vũ bão của nhóm nhà đầu tư nắm 51% cổ phiếu - sau này lộ diện người đứng đầu là ông Trầm Bê. Hàng loạt các thông tin không mấy tích cực đã ảnh hưởng tới uy tín của ông Đặng Văn Thành, nhất là về các khoản dư nợ của nhóm doanh nghiệp liên quan Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) của gia đình ông. Sau giai đoạn đó, ông Thành im lặng chuyển mình ấn tượng qua lĩnh vực nông nghiệp, mía đường, trồng chè, nuôi bò và dạy học.
Vài năm sau biến cố, ông Thành vẫn tự tin và đam mê với công việc mới của mình. Còn Sacombank vẫn đang loay hoay với gánh nặng sau khi sáp nhập Southern Bank. Và khi tiếp quản Sacombank, “đế chế” Trầm Bê và Phan Huy Khang vẫn sử dụng cách thức “cho vay ngàn tỷ mà không có tài sản bảo đảm”. Đây là lý do khiến lợi nhuận Sacombank giảm sút, nợ xấu tăng cao, phải tái cơ cấu dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Thời cuộc thay đổi, trong khi ông Thành trở lại với thương trường đầy khởi sắc, hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển thì ông Trầm Bê lại ở thế ngược lại. Vào 1/8/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank và ông Phan Huy Khang (nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank), về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết quả điều tra vụ án liên quan ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), chỉ vì quen biết, Phó Chủ tịch của Sacombank là ông Trầm Bê đã trực tiếp dẫn Phạm Công Danh đi gặp Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank và chỉ đạo ông Khang cho ông Danh vay 1.800 tỷ đồng.
Ông Bê thừa nhận hồ sơ vay vốn của 6 công ty không được thẩm định thực tế hoặc thẩm định sơ sài về năng lực tài chính.
Đối với ông Trầm Bê và 14 cá nhân tại Sacombank có liên quan, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng đã có hành vi sai phạm nghiêm trọng trong việc cho Phạm Công Danh vay.
Được biết, không chỉ cho ông Danh vay tiền ở Sacombank với hồ sơ sơ sài về năng lực tài chính, mà trước đó khi còn đương nhiệm ở SouthernBank, ông Bê và ông Khang cũng “mạnh tay” cho nhóm công ty của ông Danh vay tiền cũng chỉ vì quen biết, thẩm định hồ sơ sơ sài, năng lực tài chính của các công ty vay tiền không bảo đảm.
Tại mục II Thanh tra cấp tín dụng cho thấy, SouthernBank cho vay không tài sản bảo đảm dư nợ hơn 6.000 tỷ đồng, SouthernBank còn cho vay tài sản bảo đảm không đủ điều kiện thế chấp với dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng, 2 khoản dư nợ này thanh tra đánh giá khả năng mất vốn. Ngoài ra, Southern Bank cho vay có tài sản chưa hoàn tất thủ tục pháp lý để thế chấp với dư nợ là hơn 8.000 tỷ đồng và thanh tra đánh giá khó có khả năng thu hồi nợ khi xử lý tài sản.
Mai Trinh - Vũ Sơn