Doanh nghiệp cần nắm rõ quy tắc xuất xứ của EVFTA

(CL&CS) - Theo Bộ Công Thương, để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA.

Nắm rõ quy tắc xuất xứ hàng hóa

Tại hội nghị mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định: Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8, mang ý nghĩa to lớn đối với cả Việt Nam và EU. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới.

Đối với Việt Nam, EU là đối tác thương mại quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và thị trường châu Âu. Hiệp định mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân, GDP bình quân hơn 35.000 USD, với mức thuế bằng 0% ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế. 

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng việc thâm nhập thị trường EU chưa bao giờ là dễ dàng. Cũng theo Bộ Công Thương để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các quy định về qui tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA. 

Để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp Việt Nam, ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT qui định qui tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA làm cơ sở pháp lý hướng dẫn thực thi nội dung này tại Việt Nam. Thông tư đã có hiệu lực ngay từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Điều này đã góp phần mang lại kết quả tích cực trong việc thực thi EVFTA trong hơn 2 tháng qua.

Muốn tận dụng được EVFTA doanh nghiệp cũng cần chú ý tới các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn lao động, môi trường… ở thị trường EU.

Bộ Công thương cũng thường xuyên chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cung cấp những thông tin chuyên sâu về quy tắc xuất xứ cũng như cách thức tiếp cận thị trường EU một cách phù hợp cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, tham gia các hoạt động tập huấn chuyên sâu để có thể hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ, tự tin áp dụng. 

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, do quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để chứng minh được xuất xứ hàng hóa khi có yêu cầu hậu kiểm, đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được hải quan EU chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA.

Doanh nghiệp mong được đồng hành

Về góc độ doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, sự kịp thời của Bộ Công Thương đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xuất khẩu. Nhờ đó lượng thủy sản, cụ thể là tôm qua EU kể từ tháng 8/2020 tới nay đã tăng rõ rệt với mức bình quân 15% so với trước thời điểm EVFTA có hiệu lực.

Ông Hòe cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể, các quy định về chứng nhận xuất xứ đã được Bộ Công Thương làm kịp thời, có điều khoản cụ thể mang thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu. Đơn cử như C/O mẫu EUR.1 bị đối tác phản hồi không đúng màu thì ngay lập tức Bộ Công Thương đã có phản hồi để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Ông Trương Đình Hòe cũng nêu mong muốn được Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành hỗ trợ ngành thủy sản trong thời gian tới.

Chia sẻ mới đây, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư kí Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho biết, lượng đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp đã dần hồi phục, tình hình tuyển dụng lao động đã quay trở lại.

Bà Xuân cũng cho biết thêm, qua quá trình khảo sát với nhiều nhà cung ứng và nhãn hàng, bà đánh giá EVFTA chỉ là chất xúc tác chứ không phải yếu tố quyết định đến tăng trưởng trong tương lai của ngành da giày. Bởi lẽ, đa số nguyên phụ liệu ngành da giày của Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Dù vậy, muốn tận dụng được EVFTA doanh nghiệp cũng cần chú ý tới các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn lao động, môi trường… ở thị trường EU.

TIN LIÊN QUAN