Doanh nghiệp bất động sản lo lắng khi dịch COVID-19 kéo dài

(CL&CS) - Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang lao đao khi dịch bệnh kéo dài khiến các dự án đang triển khai bị ngưng trệ, “trùm mền” sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp như hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp bất động sản gặp không ít khó khăn. Nhiều dự án đã và đang triển khai bị ngưng trệ, nguồn cung sản phẩm vốn hạn kẹp nay càng khan hiếm hơn.

Dịch bệnh kéo dài sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản càng khó khăn hơn

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Lê Thành, hiện nay tình trạng pháp lý liên quan đến dự án bất động sản triển khai rất chậm. Đã có dự án hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng một số thủ tục liên quan đến tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính… vẫn chưa xong. Nhiều dự án "mắc kẹt" nhiều tháng trời, thậm chí cả năm vẫn chưa được giải quyết.

Chẳng hạn, tại dự án Lê Thành An Lạc (Bình Chánh), do vướng hệ số sử dụng đất và quy hoạch nên doanh nghiệp mất mấy năm xin điều chỉnh để phù hợp, trên cơ sở đó mới xin được chủ trương đầu tư dự án. Sau nhiều năm làm việc với quận và các sở ngành để điều chỉnh, cuối cùng Văn phòng UBND TP.HCM cũng có văn bản tuyền đạt ý kiến của lãnh đạo thành phố đồng ý với việc điều chỉnh này. Trên cơ sở đó, huyện Bình Chánh mới thực hiện việc điều chỉnh. Tuy nhiên từ lúc dịch bệnh bùng phát đến nay, hồ sơ không được triển khai gì thêm.

Cũng theo ông Lê Hữu Nghĩa, ngoài dự án trên, hiện nay Lê Thành đang triển khai một dự án khác là Lê Thành Tân Tạo A nhưng do dịch bệnh nên hồ sơ cũng “giậm chân tại chỗ”. Bên cạnh đó, việc đi lại cũng như tiếp nhận của cơ quan nhà nước để giải quyết hồ sơ rất khó khăn, các cơ quan lo chống dịch nên hồ sơ không có chuyển động gì, chưa giải quyết.

Tương tự, CEO một doanh nghiệp bất động sản tại Q.4, TP.HCM cho biết, doanh nghiệp đang triển khai 2 dự án tại TP Thủ Đức và quận Bình Tân, nhưng do dịch nên nhiều tháng nay công tác thi công tại công trường phải tạm thời dừng lại, khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên thực tế, từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, nhiều dự án bất động sản không chỉ ngưng trệ về mặt thủ tục mà còn không thể triển khai thi công, khó khăn chồng chất, ảnh hưởng không chỉ của chủ đầu tư, khách hàng, mà còn kéo theo hệ lụy cho rất nhiều ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, ngân hàng và người lao động.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng thời gian tới, nguồn cung nhà đất ra thị trường sẽ giảm sút so với trước đây, điều này cũng đã được dự báo từ trước.

Theo CEO của DKRA Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều địa phương trên cả nước khiến thị trường bất động sản hoạt động cầm chừng và nhiều doanh nghiệp phải “gồng mình” để sống sót qua đại dịch, nguồn cung và lượng tiêu thụ căn hộ tại thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh giảm so với trước dịch COVID-19. Tương tự, nguồn cung mới nhà phố, biệt thự khu vực TP.HCM đã sụt giảm mạnh do ảnh hưởng bởi phần lớn thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 bùng phát lần 4.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land cho biết, trước khi có ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường bất động sản đã có một số khó khăn nhất định liên quan đến điểm nghẽn về pháp lý, lệch pha cung cầu. Khi dịch bệnh ập tới, khó khăn nhân đôi, nhất là đợt dịch thứ 4 này nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến, buộc tất cả các doanh nghiệp bất động sản gần như dừng hoạt động.

Việc dịch bệnh kéo dài cũng sẽ tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên sản phẩm của chủ đầu tư, họ có thể gồng được một thời gian ngắn nhưng dài hạn là rất khó khăn. Đến cuối năm 2021, nếu dịch tiếp tục kéo dài và doanh nghiệp không hoạt động được, mọi chuyện sẽ càng trở lên khó khăn hơn.

TIN LIÊN QUAN