Nền kinh tế chia sẻ đã thay đổi rất nhiều trong khoảng 10 năm trở lại đây kể từ khi Airbnb và Uber ra đời. Sau đó, chỉ có một số ít nền tảng, giờ đây đã có hàng nghìn nền tảng, một số hoạt động tốt hơn những nền tảng khác. Một số đã bị phá sản, trong khi những công ty khác vẫn tồn tại với giá trị lớn, chẳng hạn như Uber, công ty gần đây được định giá 120 tỷ USD (Diễn đàn Kinh tế Thế giới – Bốn xu hướng lớn trong nền kinh tế chia sẻ năm 2019).
Nền kinh tế chia sẻ ra đời ít nhất một phần cũng với tinh thần kiến tạo cộng đồng và giảm tiêu dùng quá mức. Trong khi một phần trong số còn lại cũng đã có sự chuyển hướng tập trung mạnh mẽ sang khía cạnh giá cả và sự tiện lợi, mang theo nhiều cơ hội cũng như thách thức. Người tiêu dùng có thể trả ít hơn và nhận được các dạng hàng hóa, dịch vụ trải nghiệm mới, nhưng đôi khi các vấn đề về quyền riêng tư, sự tin cậy hoặc mức độ đáng tin cậy vẫn được đặt ra.
Ngoài ra còn có vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc, mang lại sự thuận tiện cho một số người, nhưng lại có sự bất định cho những người khác. Một số người tin rằng những vấn đề như thế này đang ngăn cản nền kinh tế chia sẻ phát huy hết tiềm năng của nó. (Forbes: Tại sao nền kinh tế chia sẻ vẫn chưa đạt được tiềm năng).
Tiêu chuẩn hóa có thể giảm thiểu những phiền toái và khai thác lợi ích mà mô hình kinh doanh này có thể mang lại, bằng cách cung cấp những cách thức làm việc đã được quốc tế thống nhất có tính đến nhu cầu của mọi người: người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Năm 2017, ISO đã chính thức tham gia, quy tụ một số chuyên gia hàng đầu thế giới về chủ đề này để phát triển hướng dẫn quốc tế cấp cao và là nền tảng cho các tiêu chuẩn tương lai dưới hình thức Thỏa thuận tại hội thảo quốc tế (International Workshop Agreement), IWA 27, Các nguyên tắc và khuôn khổ hướng dẫn cho nền kinh tế chia sẻ.
Tài liệu này cung cấp nguyên tắc hướng dẫn và khuôn khổ cho việc ra quyết định, hành động cần thực hiện để giải quyết các tác động và cơ hội chính về xã hội, môi trường và kinh tế.
Sau đó, ISO đã thành lập một ban kỹ thuật chuyên ngành, ISO/TC 324, Nền kinh tế chia sẻ, chịu trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này.
Trưởng ban kỹ thuật, Tiến sĩ Masaaki Mochimaru cho biết các tiêu chuẩn có thể làm nổi bật khía cạnh tích cực của nền kinh tế chia sẻ, giảm thiểu rủi ro và các vấn đề phát sinh. Một trong những lợi ích chính của mô hình kinh doanh mới này đối với một tổ chức là sử dụng hiệu quả các nguồn lực chưa sử dụng. Tuy nhiên, ở mặt trái, có những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, an toàn, bảo mật và các vấn đề khác như bảo vệ người lao động và quản lý các nền tảng. Tất cả đều là những lĩnh vực mà các tiêu chuẩn có thể giúp ích.
Trước tiên ISO/TC 324 sẽ xác định các nguyên tắc và thuật ngữ được quốc tế thống nhất để nâng cao hiểu biết chung giữa tất cả những người tham gia vào nền kinh tế chia sẻ. Sau đó, họ dự định xây dựng các tiêu chuẩn cho việc vận hành và quản lý các nền tảng kinh tế chia sẻ.
Mới đây, tháng 11/2021, tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên đã được công bố để tạo động lực cho lĩnh vực này phát triển một cách lành mạnh. Con người đang ngày càng hướng tới các tổ chức đồng đẳng để tiếp cận hàng hóa và dịch vụ, tận dụng tốt hơn các kỹ năng và tài sản của họ. Nền kinh tế chia sẻ là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất thế giới với tiềm năng trở thành nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Tiêu chuẩn mới ISO 42500, Nền kinh tế chia sẻ - Các nguyên tắc chung, cung cấp hướng dẫn nhằm đảm bảo giao dịch an toàn và đáng tin cậy bằng cách khuyến khích sử dụng nguồn lực tối ưu. Khi được thực hiện phù hợp với luật pháp và các loại nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn, việc tối ưu hóa này cũng có thể giúp hỗ trợ các mục tiêu về môi trường.
Nền kinh tế chia sẻ có tiềm năng biến đổi thực sự thế giới của chúng ta. (ảnh minh họa)
Theo Tiến sĩ Kernaghan Webb, Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn, các vấn đề như sản phẩm hoặc dịch vụ không đáp ứng được các kỳ vọng về môi trường, xã hội và yếu tố khác đều là rào cản đối với sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ. Những trở ngại khác bao gồm thiếu các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, vi phạm bảo vệ dữ liệu và không có các thủ tục rõ ràng để nộp đơn khiếu nại.
Nền kinh tế chia sẻ có tiềm năng biến đổi thực sự thế giới của chúng ta, giảm tiêu dùng quá mức và thậm chí tạo ra các cộng đồng. Sự tăng trưởng của nó phụ thuộc vào việc có một nền tảng tin cậy vững chắc được xây dựng thông qua tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. ISO 42500 đã được phát triển với định hướng như vậy.
Tiêu chuẩn đầu tiên này cung cấp nền tảng vững chắc cho các tiêu chuẩn chi tiết hơn sau này dựa vào. Các tiêu chuẩn này sẽ cùng tạo thành một bộ tiêu chuẩn cung cấp hướng dẫn cho việc vận hành an toàn và đáng tin cậy của nền kinh tế chia sẻ.
Thuật ngữ "kinh tế chia sẻ” (sharing economy) đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Nó được manh nha vào năm 1995 tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất "chia sẻ ngang hàng" nhưng chưa rõ rệt. Mô hình kinh doanh này thực sự phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2008, khiến người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn. Mô hình kinh tế chia sẻ khởi đầu bằng dịch vụ website thông tin cho thuê quảng cáo, người tìm việc, việc tìm người,... và nó đã giúp cho nhiều người có thể kiếm được việc làm, tiền quảng cáo. Thuật ngữ kinh tế chia sẻ còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như: kinh tế cộng tác, kinh tế theo cầu... Tuy nhiên nhìn chung, tất cả các tên gọi này của mô hình kinh tế chia sẻ đều có bản chất là kết nối để người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau - được đánh giá là mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, tác động không nhỏ đến người tiêu dùng, cũng như những doanh nghiệp kinh doanh kiểu truyền thống.Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình kinh tế này trong nền kinh tế quốc dân, tháng 08/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 999/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, với mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ số… |