Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Bỏ phí nguồn năng lượng sạch vì thiếu cơ chế

(CL&CS) - Sau nửa năm triển khai điện mặt trời (ĐMT) mái nhà khu công nghiệp (KCN) TP. Hồ Chí Minh đã có 118 công trình được đầu tư lắp đặt mới với tổng công suất trên 76mwp- còn xa so với tiềm năng 2.500Mwp mà Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá..

Nhiều khó khăn, vướng mắc về chính sách, thủ tục về phát triển ĐMT mái nhà KCN khiến cho nguồn năng lượng sạch này đang bị bỏ phí…

Dư địa lớn…

Tại Toạ đàm: "ĐMT mái nhà KCN: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt" do Tạp chí Diễn đàn DN và GreenID tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP. Hồ Chí Minh thông tin, TP. Hồ Chí Minh có 17 khu chế xuất-KCN/23 KCN đang hoạt động với 1.500 nhà máy/DN (trong đó có khoảng 200 dự án và 6 KCN chưa hình thành). Đặc biệt có 500 Nhà máy/DN FDI nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu. 

Sử dụng ĐMT mái nhà trong hoạt động kinh doanh sản xuất giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất

Theo tài liệu Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, TP. HCM có thể phát triển ĐMT khoảng 6.300Mwp (Mega Watt peak), trong đó hệ mái nhà của nhà xưởng khoảng 2.500Mwp.Với diện tích quy hoạch là 5.900ha, nhưng hiện mới chỉ có 1.700ha đất sạch được xây Nhà máy, cộng thêm 900ha của Khu công nghệ Cao nữa là khoảng 2.600ha. "Như vậy diện tích mái nhà khoảng trên 1.000ha, một dư địa quá lớn để làm ĐMT mái nhà" - ông Bé nhấn mạnh.

Ông Phạm Trọng Quý Châu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Năng lượng tái tạo Hiệp hội các DN KCN TP Hồ Chí Minh (HBA) cho biết, tháng 6/2020, HBA chính thức phát động Chương trình phát triển ĐMT mái nhà tại các khu chế xuất, KCN, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Kết thúc năm 2020, đã có tổng cộng 118 công trình được đầu tư lắp đặt mới với tổng công suất trên 76mwp, trong đó có những công trình lớn trên 8mwp được lắp đặt trên mái của cùng một nhà máy, thậm chí có DN mạnh dạn đầu tư đến gần 15mwp trên mái của hệ thống kho bãi trong 4 KCN khác nhau đều ở TP Hồ Chí Minh.

Việc lắp đặt ĐMT trong KCN được đánh giá sẽ giúp giảm chi phí tiền điện tương ứng với sản lượng điện sinh ra cung cấp cho KCN.

Đại diện Công ty CP VNG cho biết, cuối tháng 9/2019, DN đã hoàn thành lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái tòa nhà có công suất thiết kế 620.73kwp và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2019. Thực tế năm đầu tiên đi vào hoạt động đã đạt sản lương 859.039 kwh, đáp ứng đuợc khoảng 20% nhu cầu sản lượng điện cần cho tòa nhà, giúp giảm chi phí tương đuơng 1,5 tỷ đồng.

Quá nhiều vướng mắc…

Trong vài năm qua, rất nhiều DN đã sử dụng ĐMT mái nhà trong hoạt động kinh doanh sản xuất, nhằm giảm chi phí sử dụng điện, cũng như góp phần tạo lợi thế về xuất khẩu và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, sang năm 2021, ngoài việc chờ đợi chính sách mới, các nhà đầu tư và DN có nhu cầu được lắp đặt, sử dụng ĐMT mái nhà đang gặp nhiều vướng mắc khi triển khai mô hình này, đặc biệt là nhà đầu tư trong các KCN.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP. Hồ Chí Minh, khó khăn đầu tiên phải kể đến là cơ chế chính sách của Nhà nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ông dẫn chứng, từ tháng 6/2020 đến 31/12/2020 tuy trong điều kiện dịch COVID-19 với 3 lần bùng phát nhưng mọi hoạt động vẫn khả quan và đạt hiệu quả. Đầu năm 2021, chương trình ĐMT đứng chựng, chờ cơ chế, chính sách Nhà nước. 

ĐMT áp mái trong các KCN chỉ chiếm 30%.

Trong đó nhiều quy định ràng buộc “manh nha” phát sinh: lắp đặt ĐMT mái nhà, điện năng của KCN và điện năng của Nhà máy tăng lên hoặc thay đổi, phải làm lại báo cáo tác động môi trường (ĐTM), điều này khiến các KCN và DN đều băn khoăn lo lắng..

Theo đại diện Ban Năng lượng tái tạo Hiệp hội các DN KCN TP Hồ Chí Minh (HBA), đến thời điểm hiện tại, dù đã trải qua 9 tháng kể từ khi chính sách giá FIT 2 đã hết thời hạn áp dụng, và hầu hết các hệ thống ĐMT mái nhà đều đã vận hành ổn định thì những khó khăn, vướng mắc vẫn tồn tại..

“Cùng với khó khăn này, hiện Bộ Công Thương và EVN vẫn chưa có hướng dẫn tiếp theo về thủ tục xin và chấp thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện, thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà khiến cho DN cũng không mặn mà triển khai…”- ông Phạm Trọng Quý Châu cho hay.

Do đó, đại diện Hiệp hội các DN KCN TP Hồ Chí Minh kiến nghị EVN cần có giải pháp hợp lý và tối ưu trong việc giải quyết việc cắt giảm mua điện từ hệ thống ĐMT mái nhà.

Bất cập về quy định đánh giá tác động môi trường

Bên cạnh những khó khăn về việc EVN ngừng mua điện dư thừa phát lên lưới do chưa có chính sách giá mua mới của Chính phủ (gọi tắt là FiT3) thì hiện tại, triển khai thi công hệ thống điện áp mái trong KCN, đang gặp rất nhiều khó khăn vì các yêu cầu liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư và xây dựng.

Theo kiến nghị của nhà đầu tư, đa phần các dự án hiện nay không thể triển khai được do văn bản của Bộ TN&MT yêu cầu, các dự án lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà trong KCN phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với ngành nghề sản xuất điện. Yêu cầu này được Bộ TN&MT viện diễn theo quy định tại số thứ tự 105 Phụ lục II mục I Nghị định 40/2019/NĐ-CP liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường (BVMT)

Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều bất cập liên quan tới yêu cầu thực hiện ĐTM của các dự án ĐMT áp mái nhà trong KCN. Vì phần lớn số lượng báo cáo ĐTM được phê duyệt ban đầu của các dự án KCN chưa bao gồm ngành nghề sản xuất, phân phối điện. Trong đó theo Điều 20 và Điều 26 Luật BVMT 2014, trong trường hợp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, chủ đầu tư dự án KCN mới phải lập lại ĐTM và giải trình với cơ quan phê duyệt và chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

“Năng lượng sạch là một trong những tiêu chí thực hiện "chứng chỉ xanh" theo tiêu chuẩn quốc tế …”

Tận dụng lợi thế của nguồn năng lượng phân tán, nhiều DN FDI, tập đoàn sản xuất lớn trong KCN đã triển khai lắp đặt ĐMT mái nhà nhằm phục vụ cho nhu cầu kinh doanh và sản xuất.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Đặc biệt, đối với các DN xuất khẩu, năng lượng sạch là một trong những tiêu chí thực hiện "chứng chỉ xanh" theo tiêu chuẩn quốc tế, chính vì vậy DN trong KCN cần có định hướng ngay từ khâu phát triển kế hoạch về sử dụng năng lượng, để chiếm lợi thế tối đa cho các ngành hàng xuất khẩu như thực phẩm, dệt may, da giầy, chế biến gỗ và thuỷ sản…

Năm 2021, bên cạnh việc chờ đợi các chính sách mới, các nhà đầu tư, DN, đang gặp nhiều rào cản trong việc triển khai lắp đặt hệ thống điện áp mái trong KCN, do các yêu cầu liên quan đến cấp phép đầu tư và xây dựng.

Do đó, để thúc đẩy mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, thực hiện chiến lược phát triển bền vững, đồng thời góp phần BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu, chúng ta cần có các giải pháp đồng bộ, cũng như các quy định rõ ràng về thủ tục lắp đặt ĐMT mái nhà như: Hướng dẫn cụ thể về quy trình lập cáo cáo ĐTM, tiêu chí đánh giá ĐMT mái nhà trong KCN.

Đồng thời cần làm rõ vai trò của các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện chiến lược thúc đẩy phát triển sử dụng năng lượng hiệu quả. Đặc biệt về mục tiêu khuyến khích, phát triển sử dụng nguồn năng lượng sạch trong mô hình KCN, khu chế xuất.

TIN LIÊN QUAN