Để cà phê trở thành sản phẩm chủ lực thứ 3 sau gạo và cao su

(NTD) - Cà phê Việt Nam hiện xuất sang 80 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch trên 3 tỷ USD. Hiện chỉ có khoảng 8% cà phê của Việt Nam được chế biến sâu, còn lại có đến gần 92% lượng xuất khẩu là cà phê nhân.

Ông Lương Văn Tự

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa), nói cần có các giải pháp nâng cao giá trị cà phê Việt.

PV: Thưa ông, hiện người dân trồng cà phê đang gặp khó khăn do giá cà phê giảm sâu. Vì sao có tình trạng này? Ông có lời khuyên gì dành cho người nông dân trồng cà phê trong mùa vụ này?

Ông Lương Văn Tự: Hai năm nay, thị trường cà phê thế giới rơi vào khủng hoảng giá, thậm chí ở một số nước còn thấp hơn giá thành sản xuất, cho nên mới đây Tổ chức cà phê thế giới đã có một tuyên bố Luân Đôn về vấn đề là làm sao để những người rang xay, những người tiêu dùng cà phê hỗ trợ người nông dân trồng cà phê. Bởi, trong chuỗi những người bị tổn thương nhiều nhất chính là người nông dân.

Hiện nay giá cà phê Việt Nam vào khoảng 33-34 triệu đồng/tấn, so với trước thì đây là mức giá thấp nhất trong vòng 11-12 năm qua. Với mức giá này, người nông dân sẽ rất khó khăn.

Nguyên nhân giá cà phê thấp, là vì kinh tế thế giới đi xuống khiến giá nông sản cũng theo chiều hướng đi xuống. Bên cạnh đó, về nguồn cung, năm nay Brazil và Colombia đều được mùa nên lượng tăng khoảng trên 5 triệu bao so với cùng kỳ năm trước, cũng là nguyên nhân khiến giá giảm sâu. Xu hướng giá trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục phụ thuộc vào mùa vụ sắp tới của Brazil, nếu sản lượng chỉ khoảng 50 triệu bao thì giá có thể lên cao hơn. Còn nếu không, tình hình giá thấp có thể kéo dài hết sang năm.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đợt khủng hoảng giá này vẫn nhẹ hơn rất nhiều so với năm 2000, bởi giá hiện vẫn giữ được mức 1.200-1.500 USD/tấn, mặc dù đà khôi phục giá vẫn còn chậm. Thế nên đòi hỏi người nông dân vẫn phải kiên trì để giữ cây cà phê của mình. Đặc biệt, trong mùa thu hoạch này, người nông dân cũng không nên bán vội mà tùy theo nhu cầu tiêu dùng đến đâu thì bán đến đó để tránh cho thị trường cảm thấy ồ ạt, khi đó giá sẽ bị kéo xuống, càng bất lợi hơn cho người nông dân.

Vicofa cũng kiến nghị phải kéo dài thời gian cho vay, để người nông dân có “sức”, chứ nếu 3 tháng hay 6 tháng phải trả nợ thì sẽ rất khó khăn cho người nông dân. Hiệp hội cũng lưu ý người nông dân không nên bán cà phê qua trung gian mà bán thẳng cho các nhà rang xay để có mức giá cao hơn.

PV: Vicofa có giải pháp gì để nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu của ngành, đồng thời giữ lợi ích cho người nông dân?

Ông Lương Văn Tự: Đầu tiên phải khẳng định tại vùng Tây Nguyên, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực. Với nhu cầu tăng trưởng 2%/năm, cà phê không bao giờ sợ ế. Tuy nhiên, do người nông dân Tây Nguyên vẫn phải vay tín dụng của ngân hàng để mua phân, giống, thuốc trừ sâu... với lãi suất cao nên tác động đến giá thành. Vicofa đã nhiều lần họp để kiến nghị Chính phủ mua tạm trữ vì kinh nghiệm những năm 2018, 2019 là khi mua tạm trữ sẽ đẩy giá cà phê lên.

Ngoài ra, cũng cần có thêm nhiều mô hình hỗ trợ thực tế cho người nông dân trồng cà phê. Tôi ví dụ như mô hình Nescafe Plan, giúp cho người nông dân trồng cà phê vừa tăng năng suất, có quy trình với thuốc bảo vệ thực vật nhưng không lạm dụng, tiết kiệm nước, giảm chi phí... nhưng tạo ra năng suất. Trung bình sản xuất cà phê ở Việt Nam khoảng 2,6-2,7 tấn/ha, nhưng ở những mô hình ứng dụng quy trình của Nescafe Plan thì đạt tới 4-5 tấn/ha thì có thể đủ chi phí sản xuất của mình và đồng thời cũng dư một ít để nuôi dưỡng cây cà phê phát triển cho những niên vụ sau.

PV: Theo ông, giải pháp nào là bền vững cho ngành sản xuất cà phê Việt Nam?

Ông Lương Văn Tự: Để nâng cao nâng chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm, xuất khẩu bền vững, DN cà phê thay vì xuất khẩu sản phẩm thô, thì nên đầu tư cho công nghệ chế biến sâu, sản xuất ra những sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao... Thời gian qua, nhiều DN trong nước và DN FDI cũng đã đẩy mạnh đầu tư cho chế biến sâu như đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến của châu Âu và chất lượng nguyên liệu đầu vào. Đơn cử như, CTCP Tập đoàn Intimex vừa khánh thành đưa vào vận hành Nhà máy chế biến cà phê hòa tan Intimex Bình Dương; Tập đoàn Tata (Ấn Độ) khánh thành Nhà máy Tata Coffee Việt Nam, có công suất 5.000 tấn/năm với công nghệ cà phê sấy lạnh nhằm cung ứng các sản phẩm cà phê hòa tan cho thị trường toàn cầu... Hoặc nhiều DN khác như: Nestlé Việt Nam, Công ty An Thái, Công ty Việt Mỹ... cũng đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến sâu, để nâng thị phần xuất khẩu cà phê rang xay và cà phê hòa tan lên cao hơn nữa.

Ngành cà phê Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030. Để thực hiện hóa mục tiêu này, hiện nay hiệp hội đang kêu gọi các DN đầu tư vào công nghệ rang xay và cà phê hòa tan, để nâng cao chuỗi giá trị và hướng tới xuất khẩu bền vững.

Trong 10 năm tới, việc đầu tư công nghệ chế biến sâu dự kiến sẽ giúp nâng tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến lên 20%.

PV: Xin cảm ơn ông!

 Bá Lâm

 
Nên đọc