Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có hơn 11.000 ha cà phê, phần lớn được trồng từ những năm cuối thế kỷ trước nên đã già cỗi, phát triển kém, sâu bệnh gây hại nặng, năng suất bình quân đạt thấp, chất lượng không cao. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền huyện Chư Sê đã chú trọng đến việc tái canh cà phê.
Dự kiến năm nay, vườn cà phê tái canh của bà Mão sẽ đạt năng suất cao khi bước vào kinh doanh. Ảnh: Q.T
Theo đó, huyện đã dành hàng tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương kết hợp với vốn xã hội hóa để hỗ trợ, cấp giống miễn phí cho hàng ngàn hộ dân thực hiện tái canh hàng ngàn ha cà phê. Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, huyện đã tái canh hơn 1.100 ha.
Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tăng cường sử dụng các biện pháp xử lý đất, bón phân hữu cơ, sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm cải thiện môi trường. Nhờ thực hiện theo đúng quy trình tái canh, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất mà vườn cây sinh trưởng tốt, năng suất, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm cà phê tăng lên đáng kể.
Từ năm 2021 đến nay, bà Nguyễn Thị Hưởng (thôn 5, xã Ia Pal) đã tái canh được 1,4 ha cà phê trồng từ trước năm 2000. Theo bà Hưởng, diện tích cà phê này do đã khai thác nhiều năm và sử dụng giống cũ nên năng suất đạt thấp, bình quân chỉ thu được khoảng 2 tấn nhân/ha, không đủ bù đắp chi phí. Được sự hỗ trợ toàn bộ chi phí mua cây giống cà phê vối lai TRS1, bà Hưởng đã tiến hành tái canh diện tích cà phê già cỗi của gia đình.
Bà Hưởng cho biết: “Giống cà phê vối lai TRS1 sinh trưởng và phát triển rất tốt, kháng được nhiều loại bệnh, nhất là bệnh gỉ sắt, lại cho hạt nhân tương đối to. Bên cạnh đó, tôi cũng chú trọng chăm sóc vườn cà phê theo hướng bền vững, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ.
Do đó, dù mới tái canh được 2 năm nhưng vụ vừa rồi, 700 cây cà phê đã cho thu bói hơn 7 tấn quả tươi; còn 700 cây mới tái canh năm 2023 cũng đang phát triển rất tốt. Sắp tới, khi 1,4 ha cà phê mới trồng đi vào kinh doanh thì gia đình tiếp tục tái canh khoảng 1 ha còn lại”.
Tương tự, dù chỉ mới cho thu bói nhưng niên vụ vừa rồi, 1,6 ha cà phê của bà Nguyễn Thị Mão (cùng thôn) tái canh từ năm 2020 đạt sản lượng gần 4 tấn nhân. Bà Mão phấn khởi nói: “Thời điểm tôi tiến hành tái canh, giá cà phê trên thị trường tương đối thấp, chỉ hơn 30 ngàn đồng/kg cà phê nhân.
Còn bây giờ, giá tăng gấp mấy lần, hiện ở mức 120 ngàn đồng/kg. Việc đưa giống cà phê mới vào tái canh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng bền vững đã mang lại hiệu quả cao cho người dân”.
Thông tin với báo chí, ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Hàng năm, huyện đều dành một phần ngân sách kết hợp nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ người dân thực hiện tái canh nhằm cải thiện vườn cây già cỗi, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cà phê địa phương.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ, bền vững. Nhờ đó, những diện tích cà phê tái canh đã đi vào kinh doanh cho năng suất khá cao, đạt 5-6 tấn nhân/ha, tăng 10-20% so với trước đây.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về chính sách tái canh cà phê; vận động người dân tập trung tái canh diện tích già cỗi, năng suất thấp. Đồng thời, khuyến cáo bà con sử dụng các giống cho năng suất cao và chất lượng tốt như: TRS1, TR4, xanh lùn… cũng như sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, góp phần từng bước nâng cao giá trị, thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn”- ông Quý thông tin.
Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho biết: Tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và duy trì sản lượng cà phê của tỉnh ổn định, hình thành các vùng sản xuất cà phê bền vững, góp phần thúc đẩy việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt năng suất cà phê bình quân 3,2-3,5 tấn nhân/ha và trên 80% sản lượng cà phê quả tươi đạt tiêu chuẩn TCVN 9728-2012. Qua đánh giá, những diện tích cà phê tái canh khi bước vào thời kỳ kinh doanh cho năng suất khoảng 3,7 tấn nhân/ha. Ngoài ra, trong quá trình tái canh, hàng ngàn héc ta cà phê được người dân xen canh cây ăn quả vừa làm cây che bóng, vừa đa dạng sản phẩm, hạn chế rủi ro, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
“Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh sẽ tái canh 10.000 ha cà phê, ghép cải tạo 1.000 ha. Do đó, các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện tái canh cà phê theo quy trình được ban hành tại Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân canh tác cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng như UTZ Certified, 4C, VietGAP... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả vườn cây”- ông Khải thông tin thêm.