Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ đại hội, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công đoàn Thủ đô cũng đã phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, động viên, khuyến khích công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tích cực rèn luyện, nâng cao tay nghề, phát huy sáng kiến, sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, những cống hiến to lớn của tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ Thủ đô hoạt động Công đoàn Thủ đô thời gian qua đã đóng góp quan trọng giữ vững ổn định chính trị và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố.
Từ kết quả phong trào công nhân, viên chức, lao động, hoạt động Công đoàn Thủ đô đã đóng góp quan trọng giữ vững ổn định chính trị và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố.
Kết quả 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 252.100 tỷ đồng đạt 61,7% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng bền vững. Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị được đẩy nhanh; Thành phố đã khởi công nhiều công trình, dự án đặc biệt là Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo; đã xây dựng, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và của cả nhiệm kỳ, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp công đoàn tiếp tục tập trung thực hiện các chức năng cốt lõi của tổ chức là chú trọng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
"Đây là tiền đề xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thực chất trong doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển", đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Qua đó, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thực chất trong doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; xây dựng tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, người lao động Thủ đô ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý, LĐLĐ TP Hà Nội tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động phát triển toàn diện về trí tuệ, sức khỏe, kỹ năng lao động, phong cách làm việc, sẵn sàng tiếp cận với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tri thức mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đội ngũ công nhân viên chức lao động Hà Nội, đưa năng suất chất lượng lao động của Thủ đô đứng đầu cả nước.