Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động

(CL&CS) - Năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Do đó, Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng năng suất lao động thông qua việc tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp mũi nhọn bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc, đầu tư, đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề cho nguồn lao động; hoặc chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn quốc gia.

 Vừa qua, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, với nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Các đại biểu cũng đề nghị đề nghị xác định rõ các động lực tăng trưởng những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025 để đạt và vượt các mục tiêu Quốc hội giao.

Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động và yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp

Theo báo cáo của Chính phủ, ước cả năm 2024 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu (một chỉ tiêu xấp xỉ đạt). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt. Cụ thể, năm 2021, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% so với mục tiêu 4,8%; năm 2022 đạt 4,8% so với mục tiêu khoảng 5,2%; năm 2023 ước đạt 3,8-4,8% trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5-6%. Năm 2024, chỉ tiêu này ước đạt 5,56% so với mục tiêu 4,8% - 5,3% được Quốc hội giao.

Yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn để phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ, kỹ năng nghề hợp lý, nhằm đảm bảo chỉ tiêu này có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

Dù chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra là điều đáng ghi nhận song nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ vẫn rất trăn trở với chỉ tiêu này. Ngay trong báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá, năng suất lao động và chất lượng lao động, nguồn nhân lực còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt, phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông ghi nhận tốc độ tăng năng suất lao động xã hội sau 3 năm không đạt, đến năm 2024 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, năng suất lao động và chất lượng lao động, nguồn nhân lực còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì xét đến cùng năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi của một chế độ xã hội, vì chỉ tiêu này gắn liền với tốc độ tăng trưởng và quy mô của một nền kinh tế.

“Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động và yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp. Vì vậy, theo tôi Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn để phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ, kỹ năng nghề hợp lý, nhằm đảm bảo chỉ tiêu này có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê, chỉ tiêu về tăng năng suất lao động đạt với kế hoạch đề ra, nhưng cần cân nhắc, tính toán thận trọng kỹ hơn. Bởi để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội trung bình phải đạt từ 5,5 tốc độ tăng năng suất trở lên mới đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% - 7%. Vì vậy, để đạt được tốc độ tăng năng suất xã hội, ngoài những biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cần phải giải phóng mạnh nguồn lực xã hội, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tinh gọn bộ máy.

“Hiện nay, một hồ sơ phải đi qua rất nhiều cơ quan, mà một cơ quan qua rất nhiều bộ phận. Tôi nghĩ cần phải rút gọn bộ máy để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, giải phóng nguồn lực xã hội để tăng năng suất lao động”, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.

Ở góc độ khác, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) chỉ ra, tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, chỉ bằng 34% năng suất lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước và 69% năng suất lao động của doanh nghiệp FDI.

Vì vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao trình độ lao động, các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp đặt hàng các doanh nghiệp lớn, khuyến khích họ tham gia từ khâu xây dựng chương trình, mục tiêu đào tạo, doanh nghiệp trở thành địa chỉ thực hành, là nơi giải quyết việc làm cho người học. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng cách giảm thuế, ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ chi phí đào tạo...

Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, trong định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 tại Nghị quyết Đại hội XII đã đưa ra mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%./.

TIN LIÊN QUAN