Ngày 16/06, tại TP Hà Nội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra Hội thảo “Tương lai của fintech vì sự phát doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Cuộc thi Finnovation - Cuộc thi cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính dành cho sinh viên.
Dưới lăng kính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một vấn đề luôn nổi cộm, tạo ra lực cản cho sự phát triển của họ, là việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính phục vụ cho hoạt động, đầu tư và phát triển kinh doanh. Ở mức độ nào đó, hệ thống tài chính truyền thống của Việt nam đang cố gắng cùng các doanh nghiệp giải bài toán này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Trong vòng năm năm trở lại, đây công nghệ tài chính Fintech đã trở thành một xu thế phát triển tất yếu trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam. Có thể thấy các công ty fintech kết hợp với các định chế tài chính truyền thống và các công ty công nghệ, đã và đang tạo ra một thị trường về dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo phục vụ nền kinh tế số hiện nay. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo các bạn sinh viên trong lĩnh vực tài chính nói riêng và trong nền kinh tế nói chung. Trong thời gian qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tiếp tục thực hiện đề án 1665 của bộ giáo dục và đào tạo bằng hành động và việc làm thiết thực như thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo xã hội tổ chức các hội thảo cuộc thi mang tính đổi mới sáng tạo.”
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện FinnoBox của Cuộc thi cấp quốc gia Finnovation 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS HCM, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. HCM chỉ đạo, Ban tổ chức Finnovation 2022 và Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã tổ chức một sự kiện vệ tinh để góp phần tìm ra câu trả lời của vấn đề nêu trên.
Hội thảo có chủ đề “Tương lai của fintech vì sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam” nhằm khám phá viễn cảnh từ phía cung và cầu của dịch vụ tài chính số mang tính đổi mới sáng tạo cho nhóm doanh nghiệp quan trọng và đầy triển vọng của Việt Nam.
Nội dung của hội thảo gồm hai phần chính: (i) Các khách mời đến từ các định chế tài chính truyền thống, công ty fintech, công ty dịch vụ tài chính, và trường đại học sẽ trình bày các góc nhìn về sự tiến hóa của dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam; (ii) Phiên thảo luận mở, tập trung vào thảo luận các cơ hội và thách thức trong việc tạo môi trường cho các doanh nghiệp fintech và các bên liên quan để cung cấp các sản phẩm/dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo nói riêng và các dịch vụ tài chính số nói chung như các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn.
Tham gia chia sẻ tại Hội thảo “Tương lai của fintech vì sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” có sự tham gia của nhiều chuyên gia đi đầu và hàng đầu về fintech.
Tiến sĩ Lương Thái Bảo, Trưởng ban điều hành Chương trình Cử nhân Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân mang đến cho Hội thảo bức tranh tổng quan về mối quan hệ giữa fintech và doanh nghiệp vừa và nhỏ qua bài thuyết trình có tên “Fintech phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Cơ hội và Thách thức”.
Trong khi đó, bà Trương Hồng Liên, Giám đốc tư vấn Chiến lược và Chuyển đổi số, E&Y Consulting Vietnam đóng góp góc nhìn mang tính bài bản, chuẩn mực của tập đoàn tư vấn tài chính, chiến lược hàng đầu thế giới về lĩnh vực fintech.
Bà Liên đã giúp người tham dự thấy được những nét đặc thù của Fintech, Định chế tài chính truyền thống và Dịch vụ tài chính số tại thực tiễn thị trường Việt Nam.
Tại chương trình, ông Lê Tuấn Minh, Giám đốc điều hành, Limi Insurtech và ông Nguyễn Hữu Hiệu, Giám đốc Hoạt động, FiinGroup lại mang đến những chia sẻ cụ thể, đầy thực tế ở từng ngách của fintech như mô hình dịch vụ bảo hiểm B2B2C dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam; Ứng dụng phân tích dữ liệu tài chính trong việc thúc đẩy Thương mại Quốc tế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Trong vòng năm năm trở lại đây, công nghệ tài chính (fintech) đã trở thành một xu thế phát triển tất yếu trong khu vực tài chính của Việt Nam, bắt đầu bằng sự ra đời của các startup fintech, mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính số của các định chế tài chính truyền thống và xâm nhập vào lĩnh vực dịch vụ tài chính của các công ty công nghệ. Hệ sinh thái fintech tại Việt Nam do đó đã hình thành và tiếp tục phát triển nhanh, dự kiến năm 2022 sẽ là sân chơi của 200 công ty fintech. Có thể thấy các công ty fintech này, kết hợp với các định chế tài chính truyền thống và các công ty công nghệ, đã tạo ra một thị trường về dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo phục vụ nền kinh tế.
Hội thảo cũng dành một phần thời gian để thảo luận các hướng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm/dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo. Phần còn lại của sự kiện là những thông tin và hỏi đáp về cuộc thi Finnovation 2022 giữa sinh viên với các đại diện Ban tổ chức.
Ban tổ chức Cuộc thi Finnovation 2022 cũng như các chuyên gia đều kỳ vọng đây sẽ là nơi có thể tìm ra những thí sinh tiềm năng nhất để ươm tạo và phát triển thành những startup thực sự có tinh thần đổi mới sáng tạo cao, tạo ra những mô hình kinh doanh đột phá, giải quyết được những bài toán khó của thị trường, qua đó góp phần hình thành cộng đồng startup finnovation ngày càng lớn mạnh.