Với khối lượng lưu hành 646 triệu cổ phiếu, vốn hóa của LienVietPostBank sẽ đạt 9.561 tỷ đồng. Nếu ngày đầu tiên cổ phiếu LPB đóng cửa ở mức giá tham chiếu 14.800 đồng/cổ phiếu, giá của LPB sẽ cao hơn hàng loạt “ông lớn” cùng ngành như Sacombank, Eximbank hay như SHB, KienLongBank, NCB.
Hiện nay, LienVietPostBank là ngân hàng TMCP có mạng lưới phủ kín 63/63 tỉnh thành. Ảnh: Minh Nhật |
LienVietPostBank là một trong những ngân hàng có tuổi đời nhỏ nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam khi được thành lập vào ngày 28/3/2008 với vốn điều lệ 3.300 tỷ đồng gồm các cổ đông sáng lập như: Công ty Cổ phần Him Lam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Sau đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) góp vốn vào ngân hàng này bằng giá trị của Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) đã giúp ngân hàng có thêm 10.000 điểm giao dịch từ VPSC.
Hiện nay, LienVietPostBank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới lớn nhất, phủ sóng 63/63 tỉnh thành, đến tận vùng sâu, vùng xa, với hơn 68 chi nhánh, 132 phòng giao dịch và quyền khai thác trên 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện.
Tính đến ngày 17/7/2017, ngân hàng này có 2.795 cổ đông gồm 11 tổ chức sở hữu 25,54% vốn điều lệ và 2.784 cá nhân sở hữu 74,46% vốn điều lệ. Trong đó, VNPost là cổ đông lớn nắm giữ 12,54% vốn điều lệ (81 triệu cổ phiếu). Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho LienVietPostBank tăng vốn điều lệ từ 6.460 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng gồm phát hành 38,76 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 6%) và 65,25 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu, hoặc chào bán cho cán bộ nhân viên với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.
Theo kết quả kinh doanh đến 31/8/2017, ngân hàng này có tổng tài sản đạt gần 150.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt gần 138.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 96.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm đạt 1.289 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đã đạt được 85,9% kế hoạch năm. Nhờ lợi nhuận sau thuế cao nên năm 2016, ngân hàng đã trả cổ tức 10% (4% bằng tiền mặt và 6% bằng cổ phiếu) và đặt kế hoạch đến 12% trong năm nay.
Chia sẻ với giới đầu tư, mới đây Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng nhấn mạnh: “Ngay khi ngồi vào ghế Chủ tịch, tôi nghĩ ngân hàng phải lên sàn ngay. Lên sàn chính là để minh bạch, nhiều người giám sát mình hơn, mình sẽ tốt hơn. Lên sàn cũng là để thực hiện ý tưởng chiến lược mới cho LienVietPostBank với phương châm là: “mới - lớn - minh bạch - an toàn” nhằm nâng LienVietPostBank lên một tầm cao mới xoay quanh 4 trụ cột chính: quy mô tổng tài sản, quản trị nguồn nhân lực, hiện đại hóa và quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế. Khi đã sở hữu mạng lưới lớn nhất sẽ thuận lợi cho bán lẻ và huy động vốn, LienVietPostBank dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng một năm bình quân khoảng 30% cả nguồn và sử dụng vốn”.
Đức Hùng