Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định chi tiết về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng theo quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở và việc bố trí nhà ở cho người được tái định cư; quy định một số cơ chế, chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính, tín dụng, công nghệ xây dựng để đầu tư cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư.
Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được triển khai thực hiện theo dự án, không xây dựng lại đơn lẻ từng nhà (trừ trường hợp chung cư độc lập), bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Khoản 3 Điều 112 của Luật Nhà ở.
Xuống cấp nghiêm trọng tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo (Q.5). |
Cư Xá 40/1 Q.Tân Bình. |
Chung cư Ẩn Quang (Q.10). |
Mỗi khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại có thể triển khai một hoặc nhiều dự án phù hợp với quy hoạch đô thị do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã được ban hành.
Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư có nhu cầu tái định cư tại chỗ mà một căn hộ chung cư cũ có từ 2 hộ khẩu trở lên thì ngoài phần diện tích nhà ở mới được bố trí theo quy định, chủ sở hữu được ưu tiên mua thêm căn hộ tại cùng địa điểm theo giá kinh doanh do chủ đầu tư dự án và chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận.
Các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và các chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo được hưởng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở.
Theo thống kê, cả nước có hàng ngàn chung cư cũ, tính riêng Hà Nội là 1.516 chung cư và TP.HCM là hơn 530, trong đó có hàng trăm tòa nhà đã xuống cấp trầm trọng, cần được cải tạo. Đây là vấn đề khó trăm bề khiến cả chính quyền cũng như các cơ quan chức năng hết sức đau đầu.
Tại TP.HCM, báo cáo của Sở Xây dựng 9 tháng đầu năm 2015 về công tác di dời, tháo dỡ, cải tạo và xây dựng mới chung cư cũ và công tác quản lý chung cư cho thấy những chuyển biến tích cực. Thành phố đã di dời được 1.400 hộ gia đình, cá nhân tại 4 chung cư đó là Chung cư Cô Giang (Q.1) đã di dời 520/530 hộ, Chung cư Lô IV – VI Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) đã di dời 288/299 hộ, Chung cư 727 Trần Hưng Đạo (Q.5) đã di dời 520/530 hộ và Chung cư 765 Bến Bình Đông (Q.8) có 15/16 hộ đã được di dời.
Bên cạnh đó, Thành phố đã tháo dỡ 260 căn hộ của lô G chung cư Ngô Gia Tự (Q.10) với tổng diện tích sàn tháo dỡ là 14.140 m2, đã cải tạo 288 căn hộ lô B, D, J Chung cư Lý Thường Kiệt (Q.11), xây dựng hoàn thành 662 căn hộ thuộc 2 lô (Khu A và Khu C) Chung cư Tân Phước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), hiện tiến độ đầu tư xây dựng mới các chung cư hư hỏng nặng trên địa bàn thành phố vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị cũng như đảm bảo nhu cầu, nguyện vọng của người dân đang cư ngụ trong các chung cư này. Ông Châu cho rằng, các doanh nghiệp chưa mặn mà để tham gia công tác cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại các chung cư cũ, nguyên nhân chủ yếu là chưa có chính sách, cơ chế phù hợp với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
“Chỉ có thực hiện phương thức xã hội hóa, thu hút nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, của cộng đồng chủ sở hữu chung cư, mới có thể thực hiện nhanh và hiệu quả công tác phá dỡ, xây dựng lại các chung cư cũ”, người đứng đầu HoREA góp ý.
Vũ Sơn