Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là trong xu thế của thời đại công nghệ, khi thương mại điện tử là thiết yếu phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bởi dịch COVID-19 kéo dài đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, chủ yếu chuyển sang mua sắm trực tuyến.
Cùng với đó, thị trường bị tác động bởi nhiều yếu tố khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng phi mã đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), năm 2021 tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không có chiều hướng giảm, nhất là các loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Cụ thể như: Găng tay y tế, khẩu trang và các loại thuốc, vật tư y tế dùng để phòng, chống Covid-19; hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng; hàng bách hóa, điện, điện tử đồ gia dụng, máy móc, thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Địa bàn trọng điểm là các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng, các khu vực thuộc Hà Tĩnh (Cửa khẩu Cầu Treo), Quảng Trị (Cửa khẩu Lao Bảo) và Đà Nẵng, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, do dịch bệnh, người tiêu dùng thay đổi xu hướng mua sắm theo hướng tăng cường mua sắm qua nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, doanh thu từ TMĐT Việt Nam sẽ ước đạt gần 9 tỷ USD vào năm 2025.
Các đối tượng làm giả, làm nhái đã lợi dụng kênh này với nhiều chiêu thức lừa gạt ngày càng tinh vi, làm mất niềm tin của người tiêu dùng và gây khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái trên các kênh TMĐT. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tình hình buôn bán hàng giả trong hoạt động TMĐT xu hướng tăng mạnh có nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Do đó, Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 (ngày 15/3) với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới" là thông điệp khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.
Thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tiến hành nâng cấp, hoàn thiện và mở rộng kết nối hệ thống Tổng đài Tư vấn, Hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 tới nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức liên quan trên cả nước. Nhờ đó việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã ra mắt Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả; ra mắt 2 tài khoản mang tên “Thật - giả Review” và “Quản lý thị trường news” trên nền tảng Tiktok. Song song với kênh Tiktok, trên nền tảng Youtube và Fanpage, “Tạp chí Quản lý thị trường” sẽ cập nhật toàn bộ hoạt động kiểm tra, kiểm soát, các vụ vi phạm mà lực lượng quản lý thị trường trên cả nước xử lý nhằm lan tỏa thông tin đến người tiêu dùng nhanh chóng, hiệu quả.
Ngoài ra, chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử cũng đang triển khai nhiều biện pháp, chung tay với lực lượng chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Có thể thấy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước ma trận hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, ngoài những nỗ lực của lực lượng chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chống hàng giả. Người tiêu dùng tự giác hơn trong việc nâng cao nhận thức, chủ động tìm hiểu thông tin hàng hóa qua nhiều kênh.