Chính thức vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia

(CL&CS)- Bộ KH&CN đã chính thức đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia từ ngày 1/10/2024.

Bộ Khoa học và Công nghệ vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia từ tháng 10, với sự tham gia của hơn 4.000 doanh nghiệp và một số địa phương.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ KH&CN, ông Nghiêm Thanh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ KH&CN) cho biết, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia đã chính thức được đưa vào vận hành từ 1/10/2024.

Đến nay, Cổng đã có sự kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị kết nối kỹ thuật với Cổng.

Hiện nay, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia - đơn vị được Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia giao triển khai hoạt động này, đang hướng dẫn, phối hợp với các địa phương triển khai việc kết nối truy cập.

Về giải pháp vận hành hiệu quả Cổng thông tin truy xuất quốc gia, ông Nghiêm Thanh Hải cho hay, Bộ KH&CN đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Một chính sách quan trọng, đó là đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa, trong đó có mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc. Nội dung này sẽ được xây dựng, triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước, qua đó tạo thuận lợi cho việc vận hành Cổng thông tin truy xuất quốc gia.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phụ trách Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Trong quý III/2024, Bộ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các luật chuyên ngành như: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo; hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý, Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BKHCN ngày 09/7/2024 về quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết của địa phương, sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia; Thông tư số 06/2024/TT-BKHCN ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết thêm: Cũng trong quý III/2024 đã diễn ra các sự kiện quan trọng như: Sự kiện "Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024; Hội nghị giao ban khoa học công nghệ vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đặc biệt là sự kiện Công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024 và Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023 và duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, vị trí thứ 4 trong khu vực ASEAN. Đáng chú ý, kết quả GII 2024 của Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có chỉ số "Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo". 

TIN LIÊN QUAN