Thứ ba, 08/10/2024, 15:09 PM

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá thông qua đẩy mạnh áp dụng công nghệ mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá

(CL&CS) - Trong xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu khách hàng và thị trường ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phải ngẫu nhiên có đươc mà nó phải được quản lý một cách khoa học, dựa trên nền tảng kỹ thuật, pháp lý chặt chẽ. Phương châm quản lý chất lượng là để phát triển, với mục tiêu là đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm, hàng hóa.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá thông qua đẩy mạnh áp dụng công nghệ mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá. Ảnh minh hoạ.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá thông qua đẩy mạnh áp dụng công nghệ mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá. Ảnh minh hoạ.

Ứng dụng công nghệ nhất là những công nghệ có hàm lượng chuyển đổi số cao là một trong những biện pháp để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có ứng dụng mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Áp dụng Mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc là giải pháp kỹ thuật để phục vụ quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Việc áp dụng công nghệ mã số mã vạch giúp cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có thông tin chính xác về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở từng công đoạn của chuỗi quá trình sản xuất, cung ứng, lưu kho, bán hàng ra thị trường. Từ đó giúp cho việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh đối với sản phẩm, hàng hóa mà mình sản xuất, kinh doanh, đồng thời cũng tạo niềm tin cho khách hàng thông qua việc biết rõ về nguồn gốc chất lượng sản phẩm, hàng hóa để quyết định việc mua và sử dụng.

Có thể nói mã số, mã vạch là một công cụ hữu hiệu được ứng dụng phổ biến trong quản lý và được sử dụng bởi tất cả các bên trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng… Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Thái Lan,...) cũng đã ứng dụng công nghệ, trong đó có mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm khi phát hiện sản phẩm hàng hóa bị lỗi, bị khuyết tật không đảm bảo chất lượng, an toàn và quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận, vận chuyển.

Mã số, mã vạch giúp thúc đẩy thương mại và hội nhập quốc tế thông qua việc: tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử toàn cầu; giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi, cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác thương mại; tích hợp với dữ liệu hải quan và cơ quan thuế nhằm tạo thuận lợi cho khai báo, thông quan, tính thuế; hỗ trợ kiểm soát luồng hàng xuất nhập khẩu.

Hiện nay, các nước đang tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thông qua việc ứng dụng công nghê, trong đó có mã số, mã vạch.Tới đây, một số nước khu vực châu Âu sẽ bắt đầu triển khai áp dụng hộ chiếu kỹ thuật số cho sản phẩm, hàng hóa mà bản chất của nó bao gồm các công nghệ liên quan đến áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, dữ liệu lớn liên quan đến chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm, hàng hóa. Những sản phẩm hàng hóa  muốn nhập khẩu vào các thị trường có quy định này phải đáp ứng yêu cầu quy định hộ chiếu kỹ thuật số này. 

Ở Việt Nam, việc quy định quản lý nhà nước về mã số, mã vạch đã có từ năm 2002 theo Quyết định số 45/2002/QĐ-TTg ngày 27/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung quản lý nhà nước về mã số mã vạch và cơ quan quản lý nhà nước về mã số, mã vạch. Để triển khai thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn (Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 và Thông tư số 16/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số, mã vạch” ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN) và ngày 30/12/2020 Bộ Khoa học và Công nghệ  đã ban hành Thông tư số 10/2020/TT-BKHCN quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sử dụng mã số, mã vạch (thay thế 02 Quyết định số 15/2006/QĐBKHCN và Thông tư số 16/2011/TT-BKHCN).

Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó đã bổ sung quy định về quản lý mã số, mã vạch; ngày 21/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong đó đã bổ sung quy định quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.  Ngày 28 tháng 3 năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghê đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Những quy định nêu trên đã góp phần tạo hành lang pháp lý cần thiết để đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề chuyển đổi số sẽ giúp mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để có thể số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử. Đồng thời, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia có thể hỗ trợ hiển thị/tham chiếu/chuyển tiếp đến các dữ liệu chỉ dẫn địa lý, dữ liệu bản đồ trực tuyến, dữ liệu atlas điện tử khi các nguồn dữ liệu này sẵn sàng. Các hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sẽ được phép sử dụng các dữ liệu chỉ dẫn địa lý, dữ liệu bản đồ trực tuyến, dữ liệu atlas điện tử khi việc đồng bộ nêu trên sẵn sàng. Việc ứng dụng mã số, mã vạch trên nền tảng công nghệ như Blockchain, IoT, AI và các công nghệ mới khác sẽ tạo ra hệ sinh thái số, dữ liệu lớn (Big data) phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, là yếu tố cơ bản liên kết thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm (công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa), là công cụ phục vụ nhà sản xuất giám sát chất lượng sản phẩm, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm, thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn,  người tiêu dùng tra cứu, tìm kiếm thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Ngày 30.7.2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành  Chỉ thị số 38/CT-TW về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó yêu cầu : “Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp về chuyển đổi số, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc để tăng cường công tác quản lý nhà nước về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, tạo môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển thương mại, thị trường xuất, nhập khẩu.”

Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả  công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp thì cần thiết phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong doanh nghiệp.  Đặc biệt là đối với công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì cần thiết phải rà soát, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng công nghệ mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu  Chỉ thị 38/CT-TW nhằm  tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, tạo môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, lành mạnh,  nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển./.

 

TS. Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội KH&KT về TC&CL VN

Bình luận

Nổi bật

4 bước triển khai đo lường năng suất tại doanh nghiệp

4 bước triển khai đo lường năng suất tại doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:06

(CL&CS) - Để triển khai đo lường năng suất doanh nghiệp cần thực hiện qua 4 bước bao gồm: Chuẩn bị dữ liệu; Tính toán; Phân tích và cuối cùng là Cải tiến và duy trì.

7 công cụ quản lý chất lượng cho doanh nghiệp

7 công cụ quản lý chất lượng cho doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:01

(CL&CS) - Để các hệ thống quản lý chất lượng trong các doanh nghiệp được phát huy tối đa hiệu quả, việc hiểu và thực hành một cách nhuần nhuyễn các công cụ hỗ trợ cải tiến năng xuất, chất lượng là việc không thể thiếu. Ngoài Kaizen, 5s hay Lean 6 Sigma thì không thể nhắc đến bộ công cụ quản lý “7 công cụ quản lý chất lượng” trong sản xuất của doanh nghiệp.

Sự khác biệt giữa tiêu chuẩn ISO 13485 và ISO 9001

Sự khác biệt giữa tiêu chuẩn ISO 13485 và ISO 9001

sự kiện🞄Thứ ba, 12/11/2024, 11:59

(CL&CS)- Sự khác biệt giữa ISO 13485 và ISO 9001 là sự tập trung vào các yêu cầu và quy trình đặc biệt trong lĩnh vực y tế.