Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp chưa khả quan

(CL&CS) - VEPR tích cực tuyên truyền về những lợi thế, những cơ hội phát triển sản xuất - kinh doanh, những quyền lợi mà các doanh nghiệp được hưởng để khuyến khích hộ kinh doanh (HKD) chuyển đổi sang doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kế năm 2020, trước khi bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, cả nước ghi nhận có khoảng 5,37 triệu HKD, cao hơn khoảng 9 lần so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Hộ kinh doanh là một khu vực kinh tế quan trọng, đóng góp cao cho GDP cả nước,  đặc biệt trong việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm, với tổng số lao động tham gia trong khu vực này ghi nhận khoảng 9 triệu người trong năm 2019.

Nhưng theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR thì khu vực kinh tế HKD còn tồn tại nhiều điểm hạn chế. Việc quản lý hoạt động của các HKD cũng còn nhiều bất cập.

Nhà nước đã và đang ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho nhóm HKD chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, nhưng kết quả không mấy khả quan và không được các HKD đón nhận. 

Hộ kinh doanh mong mở rộng các chính sách khuyến khích phát triển và hỗ trợ khó khăn trong bối cảnh mới.

Từ năm 2020 đến nay, HKD cũng như các doanh nghiệp khác chịu vô vàn khó khăn bởi vì các làn sóng dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế, cũng như chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp phòng chống dịch bệnh của các cơ quan nhà nước.

 VEPR nhấn mạnh HKD chịu ảnh hưởng rất lớn từ các chính sách của Nhà nước. Từ năm 2020 đến nay, đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh để vượt qua khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra. Nhưng sự tiếp cận của HKD với các chính sách hỗ trợ cũng gặp nhiều rào cản.

Theo VEPR, các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng của nhà nước vẫn còn có sự không rõ ràng, chưa tiếp cận được với nhiều hộ kinh doanh.  

Nếu nhà nước có các chính sách hỗ trợ cho các HKD tiếp cận được với các nguồn tài chính tín dụng, hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng, thì các HKD có thêm nguồn vốn để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, và mở rộng sản xuất kinh doanh sau khi đại dịch qua đi.

HKD phản ánh về việc họ chỉ nhận được tiếp cận tín dụng khi phải dùng tài sản cá nhân mà chủ yếu là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà để đảm bảo cho khác khoản vay của ngân hàng,

Tỷ lệ giá trị được vay trên giá trị tài sản bảo đảm lại rất thấp, thời hạn cho vay ngắn, thủ tục rườm rà.   

VEPR đề nghị cần tăng cường hỗ trợ HKD nâng cao lợi thế kinh doanh. Mặc dù các HKD có số lượng khá đông nhưng việc kinh doanh vẫn chưa được bài bản và nhiều khi chưa được công khai, minh bạch và chính thức hóa.

Vì thế cần điều chỉnh về pháp luật trong việc công nhận HKD là một đơn vị kinh tế chính thức và được bảo hộ tư cách pháp lý trong các giao dịch. Bởi HKD không có tư cách pháp lý được xác lập một cách rõ ràng nên trong các quan hệ với đối tác, họ khó tạo dựng niềm tin hơn so với các nhóm doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và khuôn khổ hoạt động được quy định tương đối đầy đủ.

Mặt khác, HKD vì thế cũng không được bảo vệ khỏi các rủi ro trong hoạt động kinh doanh (cũng như cá nhân kinh doanh và quyền lợi, gánh nặng quản trị HKD được đặt vào người chủ hộ).

Mặc dù HKD không phải là doanh nghiệp nhưng để công bằng, họ cũng mong muốn có thể được khấu trừ VAT trong quá trình giao dịch với doanh nghiệp. Như vậy, việc thực hiện đăng ký mã số thuế cho tất cả các HKD để tạo sự bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước là điều cần thiết.

Tiếp cận vốn là một trong những khó khăn mà được phần lớn các HKD phản ánh trong quá trình hoạt động kinh doanh của họ. Đây cũng là yếu tố có ảnh hưởng mạnh thứ hai đối với hiệu quả kinh doanh của các HKD. 

Và VEPR đề nghị tăng cường các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác. Chính phủ cần có quy định riêng khuyến khích và tạo thuận lợi cho vay vốn đối với HKD. Bởi họ không có tư cách pháp nhân nên việc tiếp cận vốn vay sẽ trở nên khó khăn hơn so với các tổ chức kinh doanh khác. Trong khi đó, họ cũng không phải cá nhân vay tiêu dùng.

Vì vậy, các quy định riêng sẽ không chỉ giúp HKD có thể dễ dàng hơn trong vay vốn mà các ngân hàng cũng có căn cứ để xem xét và giải ngân các khoản vay. Và quy định rõ ràng về tính pháp lý giữa người đại diện vay vốn và những người còn lại cùng sở hữu tài sản đảm bảo phải được tính toán kỹ để tránh những tranh chấp xảy ra, có những cam kết và ràng buộc rõ ràng trong những điều kiện rủi ro.

Đồng thời mở rộng các chính sách khuyến khích phát triển và hỗ trợ khó khăn cho các HKD trong bối cảnh mới.

Cải tiến các điều kiện khuyến khích, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp kinh doanh. Đơn giản hoá và quy định cụ thể về quy trình chuyển đổi từ HKD sang doanh nghiệp.

Tích cực phổ biến, tuyên truyền về những lợi thế, những cơ hội phát triển sản xuất - kinh doanh, những quyền lợi mà các doanh nghiệp được hưởng để khuyến khích HKD chuyển đổi sang doanh nghiệp.

TIN LIÊN QUAN