Chỉ định thầu làm thất thoát tài sản công

(NTD) - Đó là chia sẻ của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), tại hội nghị trao đổi về cơ chế thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư (BT) và giải pháp tạo quỹ đất, nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng diễn ra sáng ngày 7/11.

Cụ thể, Chủ tịch HoREA đánh giá xã hội hóa phát triển hệ thống hạ tầng theo hình thức  PPP, BT, BOT… huy động được nguồn vốn lớn, đóng góp vào phát triển thành phố cũng như cả nước.

Các dự án BT giúp giao thông tại TP.HCM ngày càng phát triển, tuy nhiên bắt đầu phát sinh tiêu cực. Ảnh: N.Vũ

Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, việc chỉ định nhà đầu tư cho các khu đất vàng… nguồn vốn nhà đầu tư chỉ chiếm 10% còn 90% toàn vốn vay ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó lại thiếu cơ chế kiểm soát, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hưởng lợi hai lần.

Theo ông Châu, “dự toán công trình, các khu đất đối ứng cũng do nhà đầu tư đề xuất… như vậy họ đạt được lợi ích hai lần. Để cho nhà thầu, nhà đầu tư chủ động cả 2 giai đoạn, nhà nước chỉ giám sát là nhà nước, xã hội chịu thiệt. Nguồn vốn đối ứng là tài sản công, không đấu thầu mà chỉ định thầu khi đối ứng là thất thoát tài sản công”.

Theo đó, ông Châu kiến nghị phải đấu giá công khai, minh bạch với các hình thức PPP, BT, kể cả các khu đất vàng đối ứng cũng phải đấu giá và đề nghị hạn chế tối đa việc chỉ định thầu.

Bên cạnh đó, người đứng đầu HOREA đề nghị hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư đối với các trường hợp trên đây và chỉ thực hiện hình thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu. Nhất là trong các trường hợp đặc biệt theo điều 26 Luật Đấu thầu, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư; làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình MPP,  Đại học Fulbright cho rằng, hầu hết việc thực hiện dự án BT đều có phương thức “đổi đất lấy hạ tầng” và chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu. Trong khi chủ đầu tư lại dựa quá nhiều vốn vay ngân hàng. Vì thế, cần hạn chế tối đa hình thức BT với phương án đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó cần lấy tiền mặt đổi hạ tầng thông qua việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, phát hành trái phiếu công trình. Việc thực hiện BT chỉ nên áp dụng khi có quỹ đất sạch và quỹ đất này phải được bán đấu giá độc lập, tiền thu được sẽ thanh toán cho tiến độ đầu tư dự án tránh trục lợi.

N.Vũ

Nên đọc