Chất lượng nhân lực là yếu tố nâng cao chất lượng năng suất lao động

(CL&CS) - Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học -công nghệ.

Năng suất lao động quốc gia là thước đo hoạt động về kinh tế của một quốc gia, được tính bằng tổng giá trị GDP chia cho tổng số lao động có việc làm trong năm. Vừa qua, tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia" đã được tổ chức tại Hà Nội để tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam là 2.400 USD, còn kém xa nhiều nước trong khu vực châu Á. Năng suất lao động của Việt Nam gần nhất với Phillipines, kém xa các nước hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, chỉ bằng 1/3 so với Malaysia và đặc biệt là chỉ bằng 1/10 so với Singapore.

Theo báo cáo năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 , khoảng 46% số lao động trong các doanh nghiệp FDI đang làm các công việc kỹ năng giản đơn; tỷ lệ này đặc biệt cao trong các ngành lắp ráp ô-tô, xe máy, may mặc và điện tử. Khoảng 1/3 lao động đang làm các công việc có kỹ năng trung bình và thấp. Chỉ 5% số người lao động có đủ trình độ tiếng Anh phục vụ công việc và chỉ có 11,67% số người lao động có tay nghề kỹ năng, chuyên môn cao.

Chất lượng nhân lực là yếu tố nâng cao chất lượng năng suất lao động.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học -công nghệ.

Ông Lê Quang Trung - nguyên Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, nâng cao chất lượng nhân lực, hướng vào xu hướng phát triển và lợi thế của Việt Nam. Đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực ta có khả năng, thu hút, phát huy được nhân lực chất lượng cao. Những năm qua, ngành chức năng đã tập trung đầu tư khá nhiều vào đào tạo nghề, các bậc đào tạo... nhưng cần đánh giá lại việc đào tạo này có trúng, đúng, đáp ứng nhu cầu thực tế hay không; đào tạo có kết nối được với doanh nghiệp, đòi hỏi của thị trường hay không?. Đào tạo phải để sử dụng, để phát huy khả năng đào tạo, nếu không sẽ là sự lãng phí không đong đếm được.

Nâng cao chất lượng đào tạo, tránh tình trạng đào tạo chạy theo số lượng, ít quan tâm đến chất lượng cũng cần được chú ý hơn. Kế hoạch đào tạo cũng cần gắn với yêu cầu sử dụng người lao động của doanh nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu, đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động; bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Đối với doanh nghiệp cần xác định rõ mô hình sản xuất phù hợp, hoàn thiện quản trị sản xuất; đổi mới máy móc thiết bị và quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách tổ chức đào tạo ngắn hạn cho người lao động. Mặt khác, việc tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là cách thức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị về lâu dài ...

TIN LIÊN QUAN