Cao Bằng là tỉnh miền núi phía Bắc có khoảng 150.000 ha đất có khả năng phát triển nông nghiệp, diện tích cây trồng chính gần 90.000 ha, chủ yếu là cây lương thực; nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, đặc hữu.
Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trở thành xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam. Trước nhu cầu ngày càng lớn về các sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn và bền vững, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) Sở KH&CN đã và đang thực hiện những bước đi đột phá trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Cao Bằng xác định, phát triển nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Tăng cường tiềm lực KH&CN, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở KH&CN có vai trò rất quan trọng trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó sản suất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là yếu tố quan trọng đảm bảo thực hiện thắng lợi Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng ổn định, bền vững. Giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh phê duyệt thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại trang trại khoa học nông lâm nghiệp xã Lê Chung (Hòa An) do Sở KH&CN làm chủ đầu tư.
Trung tâm phối hợp với Viện Ứng dụng công nghệ triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình trồng dược liệu lan kim tuyến bản địa và một số loài lan khác tại tỉnh Cao Bằng”, thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025, hiện tại có 5.700 cây lan hồ điệp. Đồng thời, Trung tâm tiến hành trồng thử nghiệm trong nhà lưới thông minh các loại cây ăn quả và hoa như: dưa lê Chu Phấn số lượng 1.400 bầu, chanh leo vàng 200 m2, cà chua 200 m2, dưa chuột 300 m2, cúc mâm xôi 500 bầu, dạ yến thảo 800 bầu. Các loại cây hoa và cây ăn quả đang phát triển tốt, một số đang bắt đầu cho thu hoạch như cà chua, dưa lê Chu Phấn, dưa chuột…
Bên cạnh các mô hình trồng cây, Trung tâm còn thực hiện thành công ứng dụng công nghệ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo (ĐTHT). Từ năm 2022, Trung tâm tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Trung tâm Sinh học thực nghiệm, Viện Ứng dụng công nghệ và tiến hành sản xuất nấm ĐTHT tươi cũng như chế biến thành các sản phẩm khác như nấm ĐTHT ngâm mật ong, rượu ĐTHT và sấy khô. Nguyên liệu để nuôi cấy nấm ĐTHT gồm đường glucose, gạo lứt, nhộng tằm, khoai tây và một số vi lượng cần thiết.
Quá trình nuôi trồng nấm ĐTHT tại Trung tâm sử dụng thiết bị máy móc hiện đại: nồi hấp tiệt trùng, tủ cấy vi sinh, máy lắc và các phòng cấy nuôi tối/sáng theo tiêu chuẩn khép kín vô trùng. Môi trường nuôi trồng được tự động điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm và không khí, giúp nấm phát triển trong điều kiện tối ưu. Sản phẩm nấm ĐTHT có màu vàng tươi, sợi nấm dài và đồng đều, đạt chất lượng cao. Cuối năm 2024, Trung tâm sản xuất được 1.000 hộp nấm ĐTHT thành phẩm.
Từ thành công của các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là tiền đề quan trọng để Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện các cây trồng tiếp theo trong nhà màng, nhà lưới. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Trung tâm sẽ nhân giống cây dược liệu, giống cây lâm nghiệp và giống cây đặc sản của địa phương, trong đó có cây thất diệp nhất chi hoa, sa nhân tím, thạch đen. Tiếp nhận và nắm vững quy trình nhân giống cây trám đen, công nghệ bảo quản, sơ chế hạt dẻ, công nghệ sản xuất, bảo quản thạch đen; xây dựng mô hình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm để nhân rộng sản xuất trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: cây ăn quả có múi, lê xanh, lê vàng...